Kinh Môn phát triển

22/10/2011 10:04

Những cái tên Hoàng Thạch, Hòa Phát, Phúc Sơn… đã trở thành thương hiệu của mảnh đất này. Các thị trấn, thị tứ được hình thành, phát triển...



Nông dân thôn Tây Sơn, xã Hiệp An (Kinh Môn) làm đất trồng cây vụ đông bằng máy kéo lớn. Ảnh: Mai Anh


Ngày 23-10-1945, tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Trù ở thôn Hán Xuyên, xã Thất Hùng (Kinh Môn), Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện (tiền thân của Đảng bộ huyện Kinh Môn ngày nay) gồm 6 đồng chí được thành lập. Ngay sau khi được thành lập, chi bộ lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh với các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Cuối tháng 2-1946, trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, Đảng bộ huyện được thành lập. Đảng bộ huyện Kinh Môn đã lãnh đạo nhân dân trong huyện tích cực tham gia các cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần to lớn vào sự nghiệp chung giải phóng dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến, huyện đã có 3.155 liệt sĩ, 940 thương binh, 101 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; quân và dân huyện Kinh Môn, các xã Duy Tân, An Sinh, Hiệp Hòa, Hiệp An, Tân Dân được Đảng và Nhà nước phong tặng “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.  

Nối tiếp những trang sử vàng, trong những năm qua, Đảng bộ huyện Kinh Môn tiếp tục lãnh đạo nhân dân kiến thiết xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Trong nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, mùa vụ chuyển dịch tích cực. Vụ đông với việc mở rộng diện tích hành, tỏi... đã trở thành vụ sản xuất chính, tạo thu nhập cao cho nông dân. Các ngành nghề được mở rộng giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Với tiềm năng khoáng sản, công nghiệp nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. 9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 2.148 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch năm, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 14 triệu đồng. Toàn huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, người già cô đơn... được quan tâm đúng mức. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa phát triển mạnh, các di tích lịch sử, văn hóa được tôn tạo. Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác được nhân rộng trong các trường học. Hệ thống giao thông liên tục được đầu tư nâng cấp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị không ngừng đổi mới, vững mạnh. Sau 66 năm, qua 23 kỳ Đại hội, Đảng bộ Kinh Môn hiện có 6.421 đảng viên, sinh hoạt ở 58 chi bộ, đảng bộ trực thuộc. Đảng bộ huyện liên tục giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh, xã An Sinh được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới.


Diện mạo thị trấn Kinh Môn ngày càng khởi sắc


Về Kinh Môn ngày nay không khỏi vui lây với sự phát triển của các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp quy mô lớn. Những cái tên Hoàng Thạch, Hòa Phát, Phúc Sơn… đã trở thành thương hiệu của mảnh đất này. Các thị trấn, thị tứ được hình thành, phát triển. Hàng chục khu dân cư, khu đô thị mới: Minh Tân, Hiệp Sơn, Phúc Thành, An Phụ… đang mọc lên. Diện mạo các vùng nông thôn cũng không ngừng đổi thay theo hướng hiện đại hóa. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới được hoạch định, triển khai thiết thực. Đồng chí Nguyễn Thị Bên, Bí thư Huyện ủy cho biết: Mục tiêu mà Đảng bộ và nhân dân Kinh Môn đang hướng tới xây dựng huyện trở thành thị xã  trước năm 2015. Hiện nay, huyện đang triển khai nhiều đề án, quy hoạch hàng chục cụm dân cư, tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Để khẳng định thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Kinh Môn đã đạt được trong 66 năm qua, Huyện uỷ quyết định tu bổ, xây dựng nhà bia tại mảnh đất đã ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên. Đây là việc làm thiết thực nhằm giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay, mai sau về trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh Môn phát triển