Theo kết quả rà soát mới nhất vào cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo ở thị xã Kinh Môn là 1,55%, giảm 6,19% so với năm 2016.
Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Đông Hải Dương trao tiền hỗ trợ xây nhà "đại đoàn kết" cho hộ nghèo ở phường Hiệp An
Để có kết quả này, ngoài thực hiện tốt những chính sách hỗ trợ của chính quyền các cấp, Kinh Môn còn khai thác nhiều nguồn hỗ trợ xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thị xã.
Thực hiện tốt các chính sách
Nhiều năm qua, Kinh Môn là một trong những địa phương được đánh giá cao trong thực hiện các chính sách giảm nghèo. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, sau khi có chỉ đạo của tỉnh, thị xã Kinh Môn đã kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo, phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên để đôn đốc thực hiện ở các xã, phường, đồng thời xây dựng mục tiêu, giải pháp phù hợp để triển khai chương trình. Các cấp, các ngành, các địa phương tích cực vào cuộc, phối hợp đồng bộ nên công tác giảm nghèo từ năm 2016 đến nay đạt nhiều kết quả tích cực.
Một trong những chính sách mang lại hiệu quả thiết thực là chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo. Thông qua các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Kinh Môn đã giải ngân hơn 231,5 tỷ đồng cho khoảng 10.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn. Nguồn vốn này đã góp phần giúp 3.092 hộ nghèo, cận nghèo đầu tư làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Từ năm 2016 đến nay, các tổ chức, đoàn thể của thị xã đã phối hợp tổ chức gần 30 lớp đào tạo nghề cho 1.000 lao động nông thôn với các ngành nghề như may công nghiệp, nuôi thủy sản, trồng rau an toàn... Khoảng 90% số lao động sau khi học nghề đã tự tạo việc làm hoặc góp phần tăng năng suất lao động, tăng thu nhập và thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở địa phương. Các đoàn thể còn phối hợp mở 339 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với sự tham gia của hơn 20.300 lượt người. 435 người thuộc hộ nghèo và 265 người thuộc hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo.
4 năm qua, thị xã Kinh Môn đã có 33.159 lượt hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 6.581 lượt học sinh thuộc diện hộ nghèo được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho hơn 36.400 lượt hộ nghèo với tổng số tiền hơn 7,7 tỷ đồng...
Khai thác nguồn xã hội hóa
Thị xã Kinh Môn đã khai thác tốt các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thực hiện giảm nghèo. Một trong những chính sách thiết thực nhất là huy động nguồn lực để hỗ trợ người nghèo xây, sửa nhà. Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban MTTQ thị xã và các tổ chức thành viên đã huy động các nguồn lực xây dựng, sửa chữa 105 ngôi nhà và 83 công trình phụ trợ cho người nghèo với tổng kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã cho biết các nguồn vận động xã hội hóa, trong đó việc hỗ trợ xây nhà ở là một trong những nền tảng vững chắc giúp người nghèo không chỉ vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn cải thiện chất lượng sống rõ rệt.
Vì hoàn cảnh éo le nên mấy năm nay, bà Dương Thị Mấn, 61 tuổi (xã Hiệp Hòa) phải một mình nuôi 2 cháu nhỏ. Do sức khỏe yếu nên bà Mấn không làm được việc nặng, chỉ cố gắng kiếm đủ cho các cháu bữa ăn qua ngày. Đầu tháng 12 này, bà cùng các cháu vui mừng về sống trong căn nhà mới. Niềm vui của bà Mấn cùng các cháu một phần nhờ vào sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ và Hội Doanh nghiệp thị xã ủng hộ bà 50 triệu đồng để xây nhà. Đây là ngôi thứ 9 trong năm nay mà Hội Chữ thập đỏ thị xã vận động tài trợ xây dựng cho người nghèo trên địa bàn.
Thị xã Kinh Môn còn tạo điều kiện thu hút các chương trình, dự án về khám và điều trị miễn phí, phẫu thuật chỉnh hình cho hàng nghìn đối tượng chính sách, trẻ em khuyết tật, người bị nhiễm chất độc hóa học, người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Các trường học của thị xã đã có nhiều hình thức giúp đỡ, động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện hộ nghèo vươn lên trong học tập như miễn các khoản đóng góp, giảm giá sách giáo khoa, tặng học bổng... để khích lệ các em vươn lên trong học tập.
THANH NGA