Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ hành tươi của người dân Kinh Môn đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiều người trồng hành ở Kinh Môn nhổ về phơi khô
Là vựa hành lớn nhất nhì miền Bắc, vụ hành mang lại thu nhập cả nghìn tỷ đồng cho người dân thị xã Kinh Môn mỗi năm . Chính vì thế, người dân rất háo hức, đợi chờ khi đến mùa thu hoạch hành. Thế nhưng niềm vui năm nay không trọn vẹn bởi đang lúc cao điểm thu hoạch thì dịch Covid-19 tấn công thị xã Kinh Môn làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Những năm trước, đến thời điểm này, các cánh đồng của thị xã Kinh Môn rộn rã tiếng nói, cười, ngập tràn màu đỏ của bao đựng hành thì năm nay không khí khá trầm lắng. Mặc dù người dân vẫn ra đồng nhưng số lao động giảm đáng kể. Vừa nhanh tay nhổ hành, chị Nguyễn Thị Miến, thôn Trung Hoà (xã Thăng Long) cho biết hành nhà chị đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có người thu mua nên chị đành phải nhổ về phơi khô, đợi khi được giá thì bán. “Nếu những năm trước, tầm này thương lái đến thu mua hành rất nhiều thì năm nay ngược lại. Vì thế họ cũng chọn hành đẹp để mua, còn hành kém một chút là khó bán”, chị Miến nói.
Thị xã Kinh Môn có khoảng 3.800 ha hành. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất hành đạt khoảng 1 tấn/sào, cao hơn năm trước từ 2-2,5 tạ/sào. Do năng suất cao nên ngay từ khi bước vào vụ thu hoạch, giá hành năm nay giảm so với năm trước. Hành đầu vụ chỉ đạt 15.000 đồng/kg, giảm so với năm trước 10.000 đồng/kg. Sau đó, dịch Covid-19 xuất hiện thì giá hành tiếp tục giảm, hiện nay chỉ còn 10.000 đồng/ kg. Chị Nguyễn Thị Nhất, thôn Dạ Sơn, xã Quang Thành cho biết: “Nhà tôi có gần 1 mẫu hành, hiện giờ mới thu hoạch được 1 nửa. So với năm trước, giá bán giảm mạnh nhưng năng suất cao hơn nên sau khi trừ chi phí chúng tôi cũng lãi được 5-6 triệu đồng/sào. Thế nhưng nếu tình trạng nay kéo dài thì không biết mấy ngày nữa giá bán sẽ thế nào''.
Do ảnh hưởng của dịch nên việc tiêu thụ hành trên địa bàn thị xã gặp nhiều khó khăn
Là người chuyên thu mua hành ở xã Quang Thành, chị Nguyễn Thị Dịu chia sẻ những năm trước gần Tết nhu cầu tiêu thụ hành của người dân rất lớn. Không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, chị còn vận chuyển xuống Hải Phòng, lên Hà Nội, sang Quảng Ninh để bỏ cho các đầu mối. Mọi người mua về để muối dưa, gói bánh chưng và phơi khô để dành. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành cấm không cho người ngoại tỉnh đến nên việc buôn bán gặp nhiều khó khăn. "Thời điểm này, để phòng chống dịch, người dân cũng ít đi lại, ăn uống, mua sắm nên tôi cũng không dám mua nhiều hàng vì sợ không bán được", chị Dịu chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã, nông dân trên địa bàn thị xã trồng hai loại hành. Hành bánh tẻ dùng để chế biến thức ăn, muối dưa, gói bánh chưng... Tuy nhiên, loại này không nhiều nên bà con chủ động tiêu thụ. Nếu khó khăn có thể phơi tái, nhưng thời gian để không lâu. Loại thứ 2 là loại hành chính vụ, chiếm diện tích lớn và hiện nay bắt đầu cho thu hoạch. Loại này có ưu điểm có thể để khô được nên nếu không bán được ngay, bà con nông dân chủ động thu hoạch, phơi khô, đợi khi hết dịch bán sẽ được giá hơn.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thôn, xóm, khu dân cư bị cách ly khiến người dân không thu hoạch được. Thị xã yêu cầu UBND các xã, phường nơi có gia đình, cá nhân phải đi cách ly, trên tinh thần tương thân tương ái, bố trí nhân lực hỗ trợ thu hoạch nhanh gọn hành và các loại rau màu, tránh thiệt hại, để người dân yên tâm cách ly theo quy định.
Đối với diện tích đã thu hoạch xong, người dân vệ sinh đồng ruộng, khẩn trương làm đất ngay để bảo đảm gieo cấy vụ chiêm xuân đúng thời vụ
THANH HÀ
Người trồng đào Long Xuyên thất thu Long Xuyên là một trong những phường trồng đào nhiều nhất của thị xã Kinh Môn. Thế nhưng năm nay người trồng đào nơi đây lại gần như trắng tay vì phường đang thực hiện giãn cách, trong đó có khu dân cư phải phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19. Gia đình ông Lương Văn Bình ở khu dân cư (KDC) Ngư Uyên trồng trên 1 mẫu đào bán và 5 sào đào giống cho sau Tết, nhiều nhất phường. Trước ngày KDC bị phong tỏa, ông Bình đã bán được 20% số đào cho các khách quen. Khách mua buôn đặt cọc từ 4-40 triệu đồng nhưng đến nay đều xin lỗi vì không thể vào lấy được cũng như lo khó bán. Chia sẻ khó khăn chung trong tình hình dịch bệnh nên ông Bình trả lại số tiền cọc cho các thương lái. Hiện ông còn khoảng 80% số đào có nguy cơ bỏ không.
“Dịch bùng phát là điều không ai mong muốn. Tôi chỉ biết động viên người thân rằng mình bán được đã là may mắn vì còn nhiều hộ chưa kịp bán cây nào, có hộ vay lãi về đầu tư nay chưa kịp thu hồi đã phải lo trả nợ”, ông Bình chia sẻ. Năm nay, bà con Long Xuyên trồng trên 30 ha đào, diện tích đào của KDC Ngư Uyên chiếm 2/3 tổng diện tích trồng đào của cả phường. Đến nay, việc thiêu thụ số đào của KDC này gần như “đứng im”. Có hộ nhờ người thân đến đánh để bán hộ nhưng chỉ lẻ tẻ. Một số hộ ở KDC không bị phong tỏa tranh thủ bán cho khách đi đường nhưng không khả quan hơn là bao bởi nhiều người muốn mua nhưng e ngại phường có dịch nên không vào. Không chỉ có đào Tết, nông dân ở phường Long Xuyên còn trồng quất và rau củ để bán cho dịp Tết. Thời điểm cận Tết năm ngoái, nông dân xuất gần hết hoa đào, quất Tết, hoa ly và rau củ nhưng năm nay sau một tuần có dịch, người trồng chỉ biết nhìn thành quả của mình nằm im ngoài ruộng. HẢI HÒA |