Kinh Môn được mùa lúa xuân

16/06/2010 05:44

Do cấy đúng thời vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật nên lúa của Kinh Môn sinh trưởng và phát triển tốt. 70% diện tích đã thu hoạch năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha. Một số giống lúa lai cho năng suất khá cao là N.ưu 69 đạt 74 tạ/ha...


Nông dân xã Thăng Long thu hoạch lúa chiêm xuân


Mặc dù là huyện miền núi, điều kiện canh tác khó khăn, nhưng vụ chiêm xuân năm nay, Kinh Môn là một trong những địa phương đạt kết quả cao về năng suất lúa.

Anh Phùng Văn Kham, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Phụ cho biết: Vụ xuân này, nông dân An Phụ gieo cấy 436 ha, trong đó trà xuân muộn chiếm gần 90% diện tích. An Phụ là xã miền núi, địa hình bị chia cắt, việc cấp nước gặp nhiều khó khăn. Tình hình sâu bệnh hại cũng diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu vụ, HTX đã tham mưu cho Đảng uỷ và UBND xã chỉ đạo bà con cấy đúng khung thời vụ để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. UBND xã yêu cầu các thôn bơm nước đổ ải đúng lịch thông báo; vận động nông dân thực hiện ngâm, ủ, gieo mạ theo lịch thống nhất. Vì thế, ở An Phụ không có hiện tượng cấy trước thời vụ. Đây được coi là yếu tố quan trọng để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. An Phụ có hệ thống tưới tiêu riêng, không phụ thuộc vào lịch bơm nước đổ ải của Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện, HTX chủ động thời gian đổ ải. Mặc dù thời tiết khô hạn nhưng HTX vẫn bảo đảm cung cấp đầy đủ nước cho cây lúa phát triển. HTX còn có 1 tổ bảo vệ thực vật (BVTV) thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện sâu, bệnh hướng dẫn nông dân phòng, trừ kịp thời. Vốn có truyền thống cấy các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, nên vụ xuân vừa qua, nông dân trong xã đã cấy 200 ha lúa nếp các loại (chiếm 45,6% diện tích), chủ yếu là các giống nếp 352 và nếp 415. Ngoài ra, nông dân còn mạnh dạn đưa các giống lúa lai như Q.ưu, Thục hưng, TBR-1... vào cấy. 50% diện tíc lúa đã thu hoạch đạt năng suất khoảng 61 tạ/ha.

Vụ xuân này, xã Thăng Long có năng suất lúa cao nhất huyện. Ông Trần Văn Oong, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thăng Long cho biết: Những năm gần đây, nông dân trong xã vẫn cấy các giống lúa truyền thống như Q5, Khang dân 18... Trong tổng số 235,76 ha gieo cấy, các giống lúa lai như Thục hưng, Đ.ưu 527, N.ưu 69... chiếm chưa đến 10%. Thực hiện đúng chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nông dân trong xã tiến hành ngâm, ủ mạ và cấy theo khung thời vụ. HTX luôn bảo đảm đủ nước tưới dưỡng trong suốt thời kỳ lúa sinh trưởng và phát triển. Tổ BVTV cũng thường xuyên thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh để thông báo cho bà con phòng, trừ kịp thời. Đến hết ngày 10-6, nông dân Thăng Long đã thu hoạch được khoảng 70% diện tích, năng xuất ước đạt 69,3 tạ/ha.

Đánh giá về vụ xuân năm nay, ông Nguyễn Văn Biên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Tình hình khí hậu, thuỷ văn năm nay lại có nhiều yếu tố bất lợi như: Các đợt nắng nóng xen kẽ với rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thay đổi đột ngột ảnh hưởng tới quy luật sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Đồng thời, mực nước các sông xuống thấp, lượng mưa ít hơn so với cùng kì nhiều năm, khô hạn kéo dài nên việc cung cấp nước gieo cấy và tưới dưỡng cho cây lúa gặp rất nhiều khó khăn. Khắc phục điều này, phòng đã bám sát dự báo khí tượng - thuỷ văn để xây dựng lịch gieo cấy muộn hơn so với các địa phương khác từ 6 - 8 ngày. Bên cạnh đó, huyện cũng đã xác định được bộ giống phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, thuỷ văn và tập quán canh tác của nhân dân địa phương; tập trung vào các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao (CLC). Để khuyến khích nông dân chuyển sang gieo cấy lúa lai, lúa thuần CLC cùng với việc tỉnh tiếp tục hỗ trợ 50% giá giống lúa lai Syn6, Q.ưu và Thục hưng 6, huyện cũng hỗ trợ 50% giá giống lúa thuần CLC. Đây chính là cơ sở để mở rộng diện tích lúa lai, lúa CLC nhằm tăng năng suất, sản lượng và giá trị trên một đơn vị diện tích. Vụ này, toàn huyện gieo cấy được 6.579 ha, trong đó diện tích lúa lai, lúa thuần CLC là 2.833 ha, chiếm 43,1% tổng diện tích, tăng 42% so với vụ chiêm xuân năm 2009. Huyện cũng yêu cầu các xã hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo mạ sân, gieo thẳng để từ đó giảm diện tích cấy bằng mạ dược xuống còn 16,11%. Công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân được chú trọng. Nhiều cơ sở được huyện đầu tư, trang bị giàn sạ lúa và máy phun thuốc đã chủ động triển khai thực hiện mô hình dịch vụ gieo sạ lúa và phòng, trừ sâu, bệnh tập trung cho hiệu quả cao. Nhờ sự chỉ đạo tập trung của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của bà con nông dân, diện tích gieo cấy của huyện đã vượt kế hoạch. Do  được cấy trong khung thời vụ tốt nhất, cộng với chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. 70% diện tích đã thu hoạch đạt năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, xấp xỉ vụ chiêm xuân năm 2009. Một số giống lúa lai cho năng suất khá cao là N.ưu 69 đạt 74 tạ/ha, Đ.ưu 527 đạt 73,33 tạ/ha, Q.ưu 1 đạt 67,23 tạ/ha... Những giống lúa thuần chất lượng cao như Nếp 352, Nếp 415, BT7, Hương thơm... cũng cho năng suất từ 46,88 tạ/ha đến 61,78 tạ/ha.

Kết quả khả quan của vụ xuân năm nay là tiền đề để trong thời gian tới huyện Kinh Môn tiếp tục mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, đưa giống mới vào đồng ruộng, nhằm tăng năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.

VỊ THUỶ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh Môn được mùa lúa xuân