Không cần mặt bằng rộng rãi hay showroom hoành tráng, kinh doanh online đang dần trở thành xu hướng đầu tư mới của các cửa hàng đồ gỗ nội thất.
Nhiều cửa hàng đồ gỗ nội thất đầu tư thiết kế trang web để thu hút khách mua hàng qua mạng
Năm 2017, nghỉ việc ở một văn phòng, anh Phạm Văn Tuân cùng 2 người bạn mở cửa hàng kinh doanh nội thất tại phố Trường Chinh (TP Hải Dương). Cửa hàng mới mở chưa có nhiều khách hàng nên anh bàn với bạn mở hướng kinh doanh online. Anh Tuân cho biết: "Cả ba đều chưa hiểu biết nhiều về kinh doanh nên phải tự mày mò học tiếp thị online và tiếp cận từng khách hàng. Ngoài những mẫu có sẵn mang phong cách hiện đại, cửa hàng còn nhận đóng đồ nội thất theo yêu cầu của khách hàng”.
Để duy trì mô hình kinh doanh online, cửa hàng của anh Tuân phải liên tục thay đổi mẫu thiết kế mới, hiện đại để giới thiệu cho khách. Vật liệu cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi tư vấn cho khách hàng. Theo anh Tuân, kinh doanh đồ gỗ nội thất online giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí thuê mặt bằng để trưng bày sản phẩm.
Mở cửa hàng được gần 10năm nay, nhưng ông Phan Văn Cảnh, chủ cửa hàng đồ gỗ nội thất trên phố Thống Nhất (TPHải Dương) cũng đang mở thêm trang web để kinh doanh online. “Ngày nay, nhiều cửa hàng buôn bán đồ gỗ nội thất nên hàng bán chậm hơn so với trước. Thị hiếu tiêu dùng của khách hàng cũng thay đổi. Thay vì đến xem hàng trực tiếp như trước, khách hàng thường tìm hiểu các sản phẩm qua mạng trước khi tới cửa hàng nên chúng tôi mở thêm dịch vụ kinh doanh online. Cách làm này cũng giúp cửa hàng thu hút nhiều khách hàng hơn, đồng thời giúp giảm chi phí nhân công”, ông Cảnh nói. Thay vì chỉ bán các sản phẩm có sẵn như trước, cửa hàng ông Cảnh phải thuê thêm thợ chuyên thiết kế các mẫu mới và mẫu theo yêu cầu của khách hàng.
Quy trình bán hàng online của ông Cảnh bao gồm: tiếp cận khách, làm hợp đồng, phác thảo bản thiết kế, lấy xác nhận từ khách hàng, sau khi khách đồng ý thì bàn giao cho xưởng gỗ để đóng thành sản phẩm và cuối cùng là vận chuyển, lắp đặt.
Để khách hàng biết đến cửa hàng mình nhiều hơn, ông Cảnh phải tự định vị thương hiệu nội thất của mình có giá thành rẻ và chất lượng tốt. Ông giao hàng miễn phí trong phạm vi 20 km trở lại, cho khách kiểm tra hàng khi nhận, nếu sản phẩm không đúng cam kết khách có thể trả lại. Đồng thời, cửa hàng ông bảo hành sản phẩm 12 tháng và cho đổi trả trong vòng 7 ngày nếu sản phẩm có vấn đề.
Từ ngày mở thêm hướng sang kinh doanh online, mỗi tháng, ông Cảnh có thêm 5-6 đơn hàng đặt thiết kế qua mạng, doanh thu tăng thêm từ 30-40 triệu đồng. Với mỗi sản phẩm đặt hàng, khách sẽ đặt cọc trước 50% số tiền, sau khi nhận hàng ưng ý thì chuyển nốt 50% còn lại. Việc bán hàng online này cần nhất là lòng tin. Làm sao để khách cảm thấy thoải mái và hài lòng với sản phẩm mà mình đặt là tiêu chí hàng đầu của cửa hàng online này. Cũng vì mới làm nên ông Cảnh chỉ lấy chi phí bảo đảm chất lượng và công sức bỏ ra. Hiện ông đang thuê người để thiết kế website riêng nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng.
Chị Phạm Thị Thu ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) luôn bận rộn công việc. Để có được sản phẩm ưng ý, chị thường đặt mua hàng online tại các cửa hàng, trang web uy tín. “Trước đây, khi có nhu cầu mua sắm đồ nội thất tôi phải đến tham khảo ở nhiều cửa hàng, rất mất thời gian. Bây giờ, chỉ việc ngồi tại nhà cũng có nhiều sự chọn lựa. Nếu thấy hợp lý về giá cả và chất lượng chỉ việc đến cửa hàng đó xem hàng, thậm chí là đặt mua về tận nhà. Sản phẩm không đúng cam kết vẫn có thể đổi trả bình thường, rất tiện lợi”.
Việc mua hàng online giúp khách hàng biết trước thông tin về sản phẩm. Từ đó, người mua sẽ tự đánh giá sản phẩm có phù hợp với nhu cầu và tài chính của họ hay không. Hơn nữa, thông qua các kênh bán hàng online, người mua còn có thể so sánh, lựa chọn giữa nhiều sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, giữa những điều người bán quảng bá trên trang web, mạng xã hội có thể có sự khác biệt so với sản phẩm thật nên người mua hàng qua mạng cần khảo sát kỹ, đến tận nơi xem hàng và lựa chọn những cửa hàng có uy tín.
TRẦN HIỀN