Việc xử lý chất thải chưa được quan tâm khiến môi trường ở nhiều địa phương trong huyện đang bị ô nhiễm ở mức báo động, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân.
Nước thải từ chăn nuôi lợn xả trực tiếp ra kênh tưới của thôn Bắc, xã Cổ Dũng, làm tuyến kênh này bị ô nhiễm
Những năm qua, chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Kim Thành phát triển khá nhanh nhưng còn nhỏ lẻ, tự phát. Việc xử lý chất thải chưa được quan tâm khiến môi trường ở nhiều địa phương trong huyện đang bị ô nhiễm ở mức báo động, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân.
Xử lý chất thải sơ sài
Gia đình ông Nguyễn Đức Huân ở thôn Thanh Liên (xã Cộng Hòa) có 3 dãy chuồng trại nuôi lợn nái và lợn thịt ngay trên đất thổ cư, xung quanh là hàng xóm đông đúc. Gia đình ông đã nuôi lợn được hơn 10 năm nay, thời kỳ cao điểm có từ 130 - 150 con lợn. Ông đã đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi nhưng hầm dung tích nhỏ nên không xử lý hết nên gia đình ông cũng như nhiều hàng xóm xung quanh luôn phải sống trong bầu không khí ngột ngạt. Theo nhiều người dân sống gần đó, khu chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hằng ngày, nước thải chăn nuôi xả ra cống rãnh bốc mùi hôi thối. Nhiều gia đình phải đóng kín cửa để đỡ mùi. Nhưng ông Huân thì cho rằng mức độ ô nhiễm không đáng kể.
Tại xã Cổ Dũng, tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi cũng đang ảnh hưởng tới đời sống người dân, đặc biệt ở thôn Bắc. Ngay từ đường vào thôn dẫn đến các trang trại nuôi lợn mùi hôi thối nồng nặc. Ai đi qua khu vực này cũng phải bịt khẩu trang.
Xã Cổ Dũng hiện có khoảng 200 hộ chăn nuôi với quy mô vài chục tới vài trăm con, tập trung nhiều ở thôn Bắc và thôn Đông. Một số gia đình chăn nuôi lớn như anh Nguyễn Danh Thức có 700 - 800 con lợn, anh Nguyễn Hữu Dũng có 600 - 700 con lợn... Hầu hết các hộ đều không xử lý chất thải và nước thải theo quy định mà mỗi hộ chỉ có 1 - 2 hầm biogas sơ sài. Sau đó, chất thải, nước thải xả trực tiếp ra cống rãnh, hệ thống kênh mương nội đồng.
Đáng báo độngTheo quan sát của chúng tôi, hiện nước thải của các hộ chăn nuôi tại thôn Bắc đang xả trực tiếp ra kênh mương của thôn khiến tuyến kênh này có màu đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc. Nguồn nước tưới bị ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tình hình sản xuất của người dân. Bà Nguyễn Thị Thìn ở thôn Bắc cho biết: "Gia đình tôi có một ao cá gần kênh dẫn nước nhưng gần đây không nuôi được do nguồn nước bị ô nhiễm".
Không chỉ tại hai xã Cộng Hòa, Cổ Dũng, các địa phương khác như Lai Vu, Thượng Vũ, Tuấn Hưng... có nhiều hộ chăn nuôi quy mô ngày càng lớn nhưng chất thải không được xử lý triệt để khiến môi trường bị ô nhiễm ở mức báo động, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, sinh hoạt của người dân.
Ông Trần Văn Dư, Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết: Hiện nay, hầu hết các gia đình đều chăn nuôi xen kẽ trong dân cư. Việc xử lý chất thải chăn nuôi của một số hộ chưa tốt, lượng chất thải hằng ngày vượt quá dung tích hầm biogas nên ô nhiễm là điều khó tránh khỏi. Hằng năm, xã đều phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện đi kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các hộ chăn nuôi nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Nhiều hộ khắc phục được nhưng vẫn còn không ít hộ xả thải bừa bãi, gây ô nhiễm trong dân cư.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Thành, tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gia súc gây ra tại một số địa phương trong huyện đang ở mức báo động. Hằng năm, cơ quan chức năng của huyện đều tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, đồng thời cấp phát chế phẩm xử lý nước thải, chất thải. Do lượng chất thải phát sinh quá lớn trong khi nguồn chế phẩm được cấp còn hạn chế nên tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết. Một số nơi đã trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường do chăn nuôi như Cổ Dũng, Tuấn Hưng, Lai Vu. Đặc biệt, gần đây do giá gia súc xuống thấp, có người không chữa trị vật nuôi bị bệnh mà vứt xuống kênh mương càng làm tăng mức độ ô nhiễm...
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng của huyện Kim Thành cần tăng cường quản lý, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa, phát hiện kịp thời các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, địa phương, cơ quan quản lý cần yêu cầu những cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu dân cư.
TRƯƠNG HÀ