Kim Thành đổi thay sau 20 năm tái lập

29/03/2017 06:53

Sau 20 năm tái lập, Huyện ủy Kim Thành luôn đoàn kết, thống nhất lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.



Một góc thị trấn Phú Thái (Kim Thành)

Ngày 1.4.1997, huyện Kim Thành được tái lập sau 18 năm hợp nhất với huyện Kinh Môn. Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, sau 20 năm tái lập, Huyện ủy Kim Thành luôn đoàn kết, thống nhất lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.


Bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Điểm nổi bật của huyện Kim Thành trong 20 năm qua phải kể đến tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 1997, cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ là 63,05% - 19,64% - 17,31%. Đến năm 2015, tỷ lệ tương ứng là 21,2% - 43,66% - 35,14%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 34,9 triệu đồng, tăng 12,5 lần so với năm 1997.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bảo đảm sản xuất phát triển ổn định, bền vững, với mức tăng trưởng bình quân 3,41%/năm. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất nông nghiệp và thủy sản tăng 7,16 lần so với ngày đầu tái lập huyện. Hệ thống kết cấu hạ tầng đê điều, thuỷ lợi được quan tâm quy hoạch, xây dựng, đáp ứng tốt yêu cầu phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phục vụ sản xuất. Huyện đã tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2016, toàn huyện có 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 35% số xã trong huyện.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm tăng bình quân 17%. Các hoạt động thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất được tăng cường. Đến nay, toàn huyện có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp, 12 điểm công nghiệp với diện tích đất trên 600ha. Trong khu vực nông thôn có trên 3.300 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ với các ngành nghề: cơ khí, sản xuất gạch không nung, may mặc xuất khẩu… góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi, các thiết chế văn hóa của huyện và cơ sở được quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng. Hoạt động dịch vụ thương mại, làng nghề phát triển đa dạng, với mức tăng trưởng bình quân 17%/năm. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển mạnh mẽ. Chất lượng dạy và học ở các bậc học được nâng cao. Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư xây dựng. Năm 1997, tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng đạt 35,2%, có 12 trường đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2016 tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng đạt 86,5%, có 43 trường học đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân và phòng chống dịch bệnh không ngừng được cải thiện. Hiện tất cả 21 xã, thị trấn đều đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm mạnh, đến nay còn 6,56% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt được kết quả tích cực, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 2.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,05%. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở có bước phát triển. Giai đoạn 1997-2000 có 6 làng được công nhận danh hiệu văn hóa, 52% số gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa. Đến năm 2016, toàn huyện đã có 82/89 làng, khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa, 86% số gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Xây dựng Đảng, đoàn thể vững mạnh

Công tác xây dựng Đảng được Huyện ủy tập trung chỉ đạo trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt được kết quả tích cực. Các phong trào thi đua yêu nước và xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh được chú trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên được nâng lên. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm. Hiện toàn Đảng bộ đã có hơn  6.200 đảng viên, sinh hoạt ở 48 chi bộ, đảng bộ. Năm 2016, có 68,8% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh (năm 1997 là 54%); không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn; hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành được nâng lên. Vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân ngày càng được phát huy. Nội dung, phương thức hoạt động không ngừng đổi mới, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương.



Sau 20 năm tái lập, đến nay huyện Kim Thành có 2 khu công nghiệp Lai Vu và Phú Thái,
 tạo việc làm cho hàng nghìn lao động


Có thể khẳng định, với truyền thống anh hùng cách mạng, 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Thành luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Kim Thành đạt được trong 20 năm qua thể hiện sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong huyện; là sự kế thừa thành quả, công sức và trí tuệ của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân; là tiền đề, động lực mạnh mẽ để Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo bước phát triển nhanh và bền vững, xây dựng quê hương Kim Thành ngày càng giàu đẹp, văn minh.

NGUYỄN HỮU TIẾN Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kim Thành


(0) Bình luận
Kim Thành đổi thay sau 20 năm tái lập