Kim Hoàn say tiếng trống chèo

16/03/2015 13:30

Là Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương, anh luôn mong muốn dù hoàn cảnh nào cũng phát triển Nhà hát Chèo có phong cách chèo Hải Dương.



Nhạc sĩ Kim Hoàn trong dàn nhạc


"Tiếp thu tinh túy của những nhạc sĩ bậc thầy ngành chèo như Bùi Đức Hạnh, Đôn Truyền… nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại trong sáng tác ca khúc, đó là một tài năng. Cùng với nhạc sĩ Duy Hòa, Đào Tuấn Hải, nhạc sĩ Kim Hoàn có thể đứng trong “tốp ba” nhạc sĩ chèo phía Bắc, đảm đương việc thay thế các bậc đàn anh". Đó là nhận xét của Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Bùi Đắc Sừ về anh.

Từ một nhạc công bất đắc dĩ...

"Đôi bàn tay mảnh dẻ lúc mềm mại, uyển chuyển vuốt ve, khi giật mạnh, ngắn và dứt khoát. Xung quanh anh, 12 cây nhạc cụ bật ra những âm thanh tiết tấu và những giai điệu cứ theo đôi tay ấy mà trào dâng cuồng nhiệt hoặc sâu lắng u buồn".

Mẹ là giáo viên, cha công tác ở Đoàn chèo Hải Hưng, ngay từ bé, Kim Hoàn phải sống với cha trong khu tập thể. Mỗi tối đoàn đi biểu diễn, hai cha con lại dắt díu nhau lên đường. Kim Hoàn thường được các cô chú trong đoàn cho ngồi trên hộp đàn ở cánh gà xem và đợi cha… Kim Hoàn đã thấm đẫm chất âm nhạc cổ truyền từ khi nào không biết nữa.

Năm 14 tuổi, cậu thi đỗ vào lớp tạo nguồn diễn viên chèo. Sau 2 năm dùi mài đèn sách và sàn diễn, nhận tấm bằng sơ cấp, Kim Hoàn trở về quê và được nhận vào Đoàn chèo Hải Hưng. Lúc ấy cậu mới 16 tuổi.

Kim Hoàn vừa chân ướt chân ráo về đoàn, cũng là lúc một nhạc công nghỉ hưu, đoàn thiếu một người gõ trống. Trong dàn nhạc chèo, cây trống có một vị thế độc tôn bởi "vụng chèo khéo trống”. Không có trống, cũng chẳng có chèo. Để "chữa cháy", Kim Hoàn được điều vào thay thế tạm thời, trong thời gian đoàn tiến hành tuyển nhạc công mới.

Đêm biểu diễn đầu tiên đã để lại trong lòng chàng thanh niên trẻ bỡ ngỡ vào đời bộn bề cảm xúc. Mừng và lo, hào hứng và hồi hộp... Cánh màn khép lại, cũng là lúc trưởng đoàn thở phào: Đêm diễn an toàn!

Rồi, đoàn cứ đi tìm người, thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, Kim Hoàn cứ nghiễm nhiên đánh trống thay, và chờ đợi. Chính trong thời gian ấy, anh đã trưởng thành từ sàn diễn, đêm diễn, bên những bạn nghề.
Thực ra, thiên khiếu trời cho Kim Hoàn là âm nhạc. Anh có năng khiếu thẩm âm và duyên âm nhạc. Nhưng năm ấy, anh chưa có nhiều thời gian chuẩn bị tâm thế thi âm nhạc, song có đủ điều kiện thi vào lớp diễn viên. Rất may là trong khóa học, nhà trường không chỉ dạy cho học sinh học hát múa, học phương pháp biểu diễn, mà còn được học những lý thuyết âm nhạc cơ bản để phục vụ cho hát và diễn. Với niềm đam mê và năng khiếu, Hoàn đã hút hết tinh hoa của những tiết giảng về âm nhạc do các thầy truyền thụ. Tuy chỉ là người "chữa cháy" cho đoàn, nhưng anh vẫn âm thầm tự học để nâng cao kiến thức tay nghề. Anh tìm thầy giỏi ở Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương… để học. Những hội diễn chuyên nghiệp, thấy những "cây trống" nào hay là Hoàn lần mò tìm đến xin thụ giáo.

Anh còn đề nghị mở kho tư liệu của Đoàn chèo để tìm lại các bản tổng phổ âm nhạc các vở đã từng biểu diễn để nghiên cứu. Anh chắt lọc nét đẹp, những giai điệu đặc sắc trong các bản nhạc của những bậc thầy như Bùi Đức Hạnh, Nguyễn Văn Tý, Tuấn Hải, Văn Tân… làm bài học cho mình, nhưng chưa bao giờ trùng lặp sao chép. Năng nhặt chặt bị, kiến thức về âm nhạc nói chung và nhạc cổ truyền nói riêng của anh cứ phong phú và vững chắc thêm. Rồi tập thể lãnh đạo đoàn công nhận Kim Hoàn là nhạc công chính thức, và họ không tuyển thêm nhạc công bộ gõ nữa.

...thành nhạc sĩ chỉ huy

Từ ngày rung lên tiếng trống cuộc đời (năm 1988) đến năm 1997,  Kim Hoàn đã có bước tiến dài và được giao phụ trách dàn nhạc của Đoàn chèo Hải Dương, quả là người thực tài!

Không dừng lại ở đấy, năm 2008 - 2012, anh theo học tại chức lớp sáng tác chỉ huy âm nhạc kịch hát dân tộc (Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Suốt 4-5 năm đi học đầy gian khổ nhưng Kim Hoàn hầu như không bỏ một buổi biểu diễn nào của đoàn. Gà gáy anh đã vùng dậy phóng xe về trường học (ở Mai Dịch, Hà Nội), hết giờ học lại tìm về điểm diễn, gần thì về Đông Anh, Bắc Ninh, xa thì Hưng Yên hoặc Hải Dương…

Bài thi tốt nghiệp của anh, tác phẩm nhạc không lời "Dòng sông huyền thoại” được nhà trường xếp loại ưu, được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh phát sóng... Ngày ấy anh gầy rạc đi. Nhưng khi ngồi giữa cả dàn nhạc, thì người ta lại thấy một Kim Hoàn khác, với niềm say mê bất tận. Thoáng mất đi vẻ trầm trầm ngày thường, ngồi trước dàn nhạc, anh là một nghệ sĩ đang thả hồn. Đôi bàn tay mảnh dẻ lúc mềm mại, uyển chuyển vuốt ve, khi giật mạnh, ngắn và dứt khoát. Xung quanh anh, 12 cây nhạc cụ bật ra những âm thanh tiết tấu và những giai điệu cứ theo đôi tay ấy mà trào dâng cuồng nhiệt hoặc sâu lắng u buồn. Những ký âm trên trang giấy đã được thổi vào luồng sinh khí và khán giả có thể hình dung ra những tiếng suối chảy trong khe suối Yên Tử hoặc nỗi đau vò xé của những thân phận con người.

Kim Hoàn đã chỉ huy khoảng 20 vở diễn. Trong 4 vở do anh sáng tác âm nhạc, thì 3 vở về 3 vị tổ Thiền phái Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, nhưng không trùng lặp âm nhạc và ca khúc cải biên, hồn âm nhạc rất chùa. Chẳng hạn, vở “Huyền Quang tôn giả” nét nhạc thể hiện nỗi buồn nhưng không quá thê thảm như với kẻ phàm trần, chỉ vừa đủ tả tâm trạng vị cao tăng bị oan tình... Tiết tấu nhạc suy tư, nhưng giai điệu thanh thoát, bộc lộ niềm tự tin của vị tu hành, “cây ngay không sợ chết đứng”. Với vở “Phật hoàng Trần Nhân Tông” thì khác hẳn. Nét nhạc chủ đạo của toàn vở là một không khí khoáng đạt của cảnh sắc thiên nhiên, là sự vĩ đại, bao la, sáng tạo của Thiền phái Trúc Lâm, với lý thuyết nhân hậu, nhân văn, con người vươn tới chân thiện mỹ...

Kim Hoàn kể: "Khi đọc kịch bản em đã rất thú vị, bởi chất chèo đầy ắp và đậm chất dân gian. Vì thế em đã nhanh chóng hòa vào trong nhân vật và phác họa ra các cung bậc giai điệu truyền thống và biến tấu phát triển lên, nhập với tâm lý từng nhân vật”.

Tự học để thạo nghề, rồi lại tận tâm truyền nghề, đó là một nét riêng của Kim Hoàn. Nhiều năm anh được mời làm giáo viên thỉnh giảng môn gõ trống của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương.  Anh đã đào tạo 4 học trò gõ trống, ra trường cả 4 em đều thành nhạc công trong các đoàn chèo chuyên nghiệp của các tỉnh.

Đã vào tuổi “tứ tuần”,  đủ niềm tin ở cuộc đời, là chỉ huy trưởng dàn nhạc, anh đã gián tiếp làm nên thành tích cho tập thể và nhiều cá nhân giành nhiều huy chương vàng, bạc. Riêng anh đã có 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc. Trong đó có 2 huy chương vàng trong chương trình Liên hoan, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ các dân tộc Việt Nam năm 2012 và 2014, cùng 1 huy chương vàng dành cho sáng tác và chỉ huy vở chèo “Chuông ngân rừng trúc” tại cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 tại Hải Phòng. Trong khi tôi đặt bút viết bài này lại nhận tin vui khi biết anh là một trong những nghệ sĩ được UBND tỉnh đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. 

Là Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương, anh luôn mong muốn dù hoàn cảnh nào cũng phát triển Nhà hát Chèo có phong cách chèo Hải Dương. Thực tế hơn 10 năm nay, các tiết mục của nhà hát được coi là chèo truyền thống, không lai căng, đổi màu nhưng vẫn tươi mới bởi ở đó từ diễn viên đến nhạc công đều được nâng cao năng lực khám phá và sáng tạo để có một môi trường nghệ thuật tốt.

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kim Hoàn say tiếng trống chèo