Kim Chuông độc đáo với tích chèo

31/03/2012 13:39

Đọc trên báo Văn nghệ, báo Hải Dương và một số tờ báo khác, bạn yêu thơ thích thú khi bắt gặp mấy bài thơ của nhà thơ Kim Chuông, rất độc đáo khi viết về những nhân vật trong tích chèo Quan âm Thị Kính. Độc đáo là vì nhà thơ có cách nhìn khác về Thị Màu, anh Nô - những nhân vật quen thuộc đã đi vào đời sống tinh thần của người dân từ bao đời nay.

Những bài thơ “Thị Màu”, “Giải oan Thị Màu”, “Anh Nô” dường như được Kim Chuông viết liền một mạch trong tháng 10 và tháng 11-2010 với thể loại thơ lục bát. Cảm hứng từ những nhân vật có số phận đặc biệt như Thị Màu, như anh Nô khiến nhà thơ không thể không cầm bút. Để “giải oan” cho lửa lòng yêu đương cháy bỏng của Thị Màu, nhà thơ có lý lẽ riêng của mình. Với nhân vật Nô, Kim Chuông đã phát hiện, lý giải vì sao một người thanh niên nông dân thuần phác, thủ phạm chính trong cuộc ái ân trăng gió với con gái phú ông, lại không bị phát hiện, không kết tội, mà còn lưu danh hậu thế, dù chỉ là thông qua tích chèo.

Một cô gái lẳng lơ như Thị Màu bị lên án trong xã hội phong kiến, không thể chấp nhận theo lối sống, đạo đức, thuần phong của người phương Đông. Với nhà thơ Kim Chuông, Thị Màu được sinh ra là “tại trời cao, tại ông trời trước tiên”… Người con gái như một bông hoa, sinh ra là để làm đẹp thế gian này. Thử hỏi trái đất, xã hội con người sẽ ra sao nếu không có đàn bà? Thế thì Thị Màu sinh ra là lẽ đương nhiên, là báu vật của trời đất “Tại trời đã sinh ra em/Núm cau chum chúm trồi lên yếm đào”. Mà đã là con người thì có sự khao khát tình yêu, thèm khát bạn tình như bao sinh vật sống khác. “Màu thèm chút “tỉnh tình tang”…/Thèm “cơn điên” cả thế gian vẫn thèm/Vị chua táo rụng bên thềm/Màu coi còn sướng hơn nghìn ngai vua”. Một sự thèm khát tự nhiên, bản năng trong mỗi con người. Thế nên như những người con gái khác, Thị Màu đi tìm sự khao khát cho riêng mình, muốn dâng hiến cho bạn tình, cho người mình yêu. Song hành động của Thị Màu trong một xã hội lễ giáo phong kiến xưa khó có thể chấp nhận: “Người đời miệng lưỡi cay chua/Tội Màu ư, cái tội thừa lửa tim/Người ta biết giấu cái nhìn/Biết đem mình, tự nhấn chìm mình đi”.

Đem lý trí vào tình yêu thì đâu còn tình yêu nữa, đó là sự tính toán, cân đo, nên với tác giả (và cũng nhiều người nữa?): “Màu không. Chả sợ qué gì/Yếm đào cứ tốc, oản thì cứ phơi/Sướng lên, bé cả ông giời/Tội thì Màu chịu, hơn ngồi nhịn suông”. Việc lên án hành động của Thị Màu xưa nay chỉ là do những định kiến xã hội, những lễ giáo cũ đang kìm kẹp con người mà thôi, chứ tình yêu, sự khao khát dâng hiến không có lỗi gì. Cũng như trong truyền thuyết, nàng Mỵ Châu “trái tim lầm chỗ để trên đầu”, chứ đâu phải tội phản quốc! Thế nên “Bảo Màu sống khác đi a?/Màu mà sống khác/Không ra Thị Màu”.

Với nhân vật Nô, một người nông dân hiền lành, cả đời sống kiếp tôi đòi, không có tài sản gì cả, chỉ có tuổi thanh xuân với cơ thể vạm vỡ. Đấy là tài sản quý giá, một sức sống mãnh liệt mà ai cũng từng mong ước, nhất là với những cô gái muốn được thỏa mãn nỗi khát khao, thèm muốn bạn tình. Khi Thị Màu thật mình muốn dâng hiến, “đem lửa đốt Nô thành tro than”, thì với người con trai đang sung sức, căng tràn nhựa sống “gặp nồi đã mở vung rồi thì ăn”. Nên tác giả đặt bút: “Nô đang ở tuổi xuân thì/Gặp Màu đây nữa làm gì chả điên” là dễ hiểu.

Thị Màu và Nô, một người bị đạo đức, lễ giáo kết tội, một người là thủ phạm trực tiếp thì vô can. Làm nên một cái án oan bởi sự khao khát dâng hiến, là lẽ tự nhiên của tình yêu? Nghịch lý ấy trong tích chèo là để lên án một xã hội phong kiến mục nát, những lễ giáo cổ hủ, kìm hãm sự khao khát tình yêu, cuộc sống nơi con người. Trong những bài thơ trên, có khi tác giả rơi vào trạng thái viết nên những câu thơ tự nhiên chủ nghĩa. Song, cảm hứng từ những nhân vật trong tích chèo xưa, Kim Chuông muốn gửi thông điệp về tình yêu, đề cao phẩm giá con người. Trong sự khao khát bản ngã, mỗi người phải sống đúng với chính mình hơn, để từ đó dần hoàn thiện nhân cách con người.

NGUYỄN ĐÌNH XUÂN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kim Chuông độc đáo với tích chèo