Kiều hối đổ về nông thôn

08/01/2012 07:01

Năm 2011 tuy gặp nhiều khó khăn nhưng lượng kiều hối đổ về tỉnh ta vẫn tăng mạnh, đặc biệt khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ ngày càng cao...



Khách hàng nhận kiều hối tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Sách


Được xem là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế, thị trường xuất khẩu lao động bị thu hẹp, đặc biệt năm 2011 toàn tỉnh có  gần 1.000 lao động tại Lybia (Li-bi) phải về nước trước thời hạn. Tuy vậy, lượng kiều hối đổ về tỉnh ta vẫn tăng mạnh, đặc biệt khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ ngày càng cao.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, lượng kiều hối chi trả qua hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và tăng mạnh, nhất là những tháng cuối năm. Tính đến  hết tháng 12 - 2011, lượng kiều hối chi trả qua hệ thống ngân hàng ước đạt hơn 105 nghìn món với tổng số tiền gần 150 triệu USD, tăng khoảng 8% so với năm 2010... Lý giải điều này, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết: mặc dù nền kinh tế khó khăn, nhiều lao động tại thị trường Lybia phải về nước trước thời hạn do bất ổn chính trị song nguồn kiều hối vẫn tăng trưởng ổn định là do người lao động quê Hải Dương ta tập trung chủ yếu tại Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia (Ma-lai-xi-a), Nhật Bản... Đây là những thị trường lao động ổn định, thu nhập tương đối cao. Mặt khác, nguồn kiều hối chuyển về chủ yếu của người đi lao động nước ngoài từ trước năm 2011 nên sau thời gian làm việc, họ đã tích lũy được nguồn tiền tiết kiệm. Cũng theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nếu như trước đây, lượng kiều hối chủ yếu tập trung ở các khu vực thị trấn, thị xã, đô thị thì năm nay, nguồn kiều hối chuyển về tập trung tại khu vực nông thôn. Theo thống kê sơ bộ, có tới hơn 80% lượng kiều hối chuyển về tỉnh ta qua hệ thống ngân hàng thuộc khu vực nông thôn. Điều này cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, nông nghiệp đang có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều địa phương coi xuất khẩu lao động là hướng phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Chúng tôi có mặt tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Sách vào một ngày giáp Tết. Mặc dù đã gần đến giờ nghỉ trưa nhưng lượng khách đến giao dịch vẫn khá đông. Bác Hoàng Văn Nam ở xã Nam Trung (Nam Sách) cho biết: "Tôi đang chờ làm thủ tục nhận tiền của con trai gửi về từ Đài Loan. Cháu đi xuất khẩu lao động từ cuối năm 2009. Mấy tháng đầu do công việc chưa ổn định, công ty trực tiếp đưa người sang lao động tại Đài Loan giữ mấy tháng lương nên chưa có tiền gửi về cho gia đình. Nhưng từ giữa năm 2010 đến nay, cứ đều đặn 3 - 5 tháng cháu lại gửi một ít tiền về cho gia đình vừa để trả nợ chi phí cho cháu đi, vừa để gia đình sửa sang nhà cửa". Đến nay, con trai bác Nam đã gửi về qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Sách gần 7.000 USD.



Khách hàng làm thủ tục nhận kiều hối tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Á Hải Dương


Cầm tờ giấy ghi đầy đủ tên tuổi của con và mật mã riêng để lấy tiền, ngồi đợi trong phòng chờ của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cẩm Giàng, ông Nguyễn Trọng Thanh ở xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) vui mừng nói: Xã tôi có “truyền thống” đi lao động nước ngoài. Tất cả các thôn trong xã đều có người đi, thậm chí có gia đình cho tới 4 người đi xuất khẩu lao động. Ông Thanh cũng có hai con đều đi Đài Loan đã được 3 - 4 năm. Năm nào cũng vậy, dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán là các con ông lại dành dụm gửi tiền về cho bố mẹ, vừa để sắm sửa đồ dùng cho gia đình vừa để gửi tiết kiệm. Ông Thanh tâm sự: "Năm 2011, từ số tiền gửi về chúng tôi đã mua cho các cháu mảnh đất ở khu đô thị mới phía tây TP Hải Dương. Nếu không đi xuất khẩu lao động, không có nguồn các cháu gửi về, gia đình tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện tiết kiệm, mua đất, xây sửa nhà...”

Kiều hối đang là một kênh dẫn vốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Chính dòng tiền này đang trực tiếp giúp cải thiện đời sống của nhiều gia đình. Để đón dòng kiều hối này, các ngân hàng thương mại trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều dịch vụ, sản phẩm mới để thu hút khách hàng. Bà Đồng Thị Thảnh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hải Dương cho biết: Với hơn 80% lượng kiều hối về qua hệ thống ngân hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn nên Agribank Hải Dương có lợi thế vì mạng lưới kinh doanh rộng khắp trên địa bàn với 35 phòng, điểm giao dịch. Nhiều năm qua, Agribank Hải Dương luôn là đơn vị dẫn đầu hệ thống ngân hàng về doanh số chi trả kiều hối. Năm 2011, hệ thống Agribank Hải Dương đã trả gần 44 nghìn món với số tiền 64 triệu USD, tăng gần 17% so với năm 2010. Trong đó hơn 95% lượng kiều hối chuyển về các huyện, thị xã, đứng đầu là Cẩm Giàng, Nam Sách... Không chỉ Agribank Hải Dương, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng cho biết, lượng kiều hối về qua đơn vị mình đều tăng so với năm 2010. Tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hải Dương, lượng kiều hối đến hết tháng 12 về qua đơn vị hơn 10 triệu USD với khoảng 6.500 món, tăng gần 1 triệu USD so với năm 2010. Còn tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Hải Dương những ngày này kiều hối đổ về nhiều nhất vẫn từ các nước Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản...

Việc nguồn kiều hối đang đổ mạnh về nông thôn được xem là tín hiệu tốt cho khu vực này, nhất là trong giai đoạn toàn tỉnh đang huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới. Nguồn kiều hối thời gian qua đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo của nhiều làng quê.

HÀ VY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiều hối đổ về nông thôn