Kiều Chinh với nét duyên ca trù

18/10/2014 10:07

Kiều Chinh sinh ra là để hát ca trù. Chính ca trù là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn và làm nên tên tuổi Kiều Chinh.




Đào nương Kiều Chinh trong màn hát ca trù


Như là định mệnh

“Có lẽ em phát về đường ca hát là theo nghiệp ông ngoại. Bên ngoại có truyền thống hát chèo. 19 tuổi, em đoạt giải ba cuộc thi Tiếng hát Truyền hình tỉnh Hải Dương. 21 tuổi, em đoạt giải nhì cũng cuộc thi ấy...”, đào nương Kiều Chinh kể.

Kiều Chinh không đẹp nhưng có duyên. Cô có khuôn mặt tròn trịa, phúc hậu, khi hát mắt nhìn thẳng đoan trang, đằm thắm, làm say đắm khách thưởng lãm ca trù.
Học hết bậc phổ thông, năm 21 tuổi, Kiều Chinh được tuyển vào Đội thông tin lưu động (Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Dương). Làm diễn viên, cô phải biết tuyên truyền miệng, biết hát nhiều dòng nhạc: trữ tình, dân ca, nhạc cách mạng… Không hiểu sao, Kiều Chinh đam mê nhất là hát ca trù.
May sao, năm 2002, Bộ Văn hóa - Thông tin có một lớp bồi dưỡng hát ca trù, Kiều Chinh xin đi và được cơ quan đồng ý. Dẫu lớp học chỉ có 2 tháng nhưng Kiều Chinh được trang bị một khối lượng kiến thức cơ bản, lại được người thầy là nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Trúc truyền nghề. Như nắm đất đang khát khô gặp nước, Chinh thả sức mở lòng ra thu nhận những gì tinh hoa của nghệ thuật ca trù đặc sắc.
Từ ngày xưa, hát ca trù đã là thú chơi thanh nhã. Người ngoài giáo phường chỉ nghe lỏm mà biết hát, có hành nghề cũng chỉ coi là đào ngang. Người được đào tạo bài bản, mới được gọi là đào nương. Bởi vậy mới có câu: "Đi buôn có bạn, đi hát có phường". Một màn hát thường có: người hát còn gọi là đào hát hay đào nương, người đệm đàn đáy và người cầm trống chầu. Đào nương ngoài vẻ đẹp, khi hát còn phải mặc trang phục lịch lãm, đoan trang, quần lĩnh, áo đoạn hoa, khăn nhung, tóc đuôi gà và nhìn thẳng, không đánh mắt làm tình, cợt nhả với quan khách nghe hát. Người hát cũng không được tự tiện nhận tiền thưởng của khách. Đào nương chinh phục người nghe bằng âm thanh, nhả chữ buông lời, hút hồn khách bằng nghệ thuật thanh nhạc, chứ quyết không bằng kiểu lả lơi rẻ tiền, dung tục. Đào nương khổ công luyện giọng, khi buông lời phải tròn vành rõ chữ, hơi ngân phải rung đổ hột. Anh kép đàn phải ngọt, hòa tấu ăn ý. Tiếng trống chầu khi khoan thai như một lời sẻ chia, lại có khi đĩnh đạc dứt khoát như phép thần tạo thế cho tiếng hát rạo rực trái tim người. Đến lúc ấy đào nương trổ tài, môi trường ca trù lọt vào thế giới huyền ảo, vừa dân dã vừa cao sang...

Chỉ 2 tháng học trên trường, Kiều Chinh đã tiếp thu được một khối lượng lớn, mà bây giờ nghĩ lại cũng thấy giật mình.

Hỏi tại sao Chinh lại dấn thân vào nghiệp hát ca trù, không biết là rất khó khăn hay sao? Kiều Chinh kể rằng, cô không thể ngờ hát ca trù lại gian khổ đến thế. Khó, vì ca từ của thể loại hát này thường có nhiều chữ Hán - Việt. Cầm bản thảo, phải tự nghiên cứu từ ngữ để hiểu rõ nội dung ca từ thì khi thể hiện mới đằm thắm, chứ không nhạt nhẽo vô hồn. Khó, vì ca nương phải vừa hát vừa gõ phách. Phách là tiếng hát thứ 2 của ca nương. Không chỉ hài hòa giữa hát và phách, mà còn phải kết hợp tiếng đàn đáy, tiếng trống chầu sao cho ăn nhập nâng đỡ nhau lên tới đỉnh cao của thú chơi thanh nhã. Vừa hát, ca nương còn biết phân biệt được khổ trống, làn điệu… đâu là lạc nhạn, phi nhạn đâu là thuỷ châu, tranh triện hay hạ mã. Người cầm chầu không được đánh trống lấp đi tiếng hát, như thế trong nghề cho là đánh vào miệng ca nương...Thời gian học ngắn, mà học cụ truyền nghề của nghệ nhân (băng đĩa, tài liệu giáo khoa) lại đơn sơ, ít ỏi, không phong phú như các môn học nghề khác…  Khó còn vì kiểu ém hơi, nhả chữ của hát ca trù cũng khác với thanh nhạc hiện đại, âm thanh phải luyến láy sao cho đẹp, có duyên.

Kiều Chinh nhớ lại, ngày tốt nghiệp, mỗi ca nương phải hát hai  làn điệu. Một bài bắt buộc là hát nói "Đào Hồng đào Tuyết” và một bài “Gửi thư” tự do. Thật vui, Kiều Chinh đạt danh hiệu xuất sắc khi ra trường.

Độ chín của nghề

Như con chim đã đủ lông cánh, vùng vẫy trên bầu trời, Kiều Chinh trở về Hải Dương, cùng các đồng nghiệp mở lớp bồi dưỡng tại các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách. Hội diễn hát ca trù toàn quốc năm 2005 (tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội) là một bước ngoặt trong cuộc đời ca hát của cô. Kiều Chinh đoạt huy chương vàng, với giọng hát cao sang và lối diễn chân thực. Đặc biệt, độc nhất vô nhị,  cô được Ban tổ chức trao tặng một bộ xiêm áo "Đào nương". Theo lịch sử hát ca trù, thì từ ngày xưa, sau cuộc thi, chỉ những ca nương múa giỏi, hát hay, đánh phách tốt, có  phong thái biểu diễn điệu nghệ… mới được Ban tổ chức trao xiêm y. Đó là một "chứng chỉ" chính thức công nhận từ ca nương sang đào nương, được hành nghề chuyên nghiệp. Bây giờ Kiều Chinh cũng được nhận niềm vinh quang ấy.

Nói cho công bằng, Kiều Chinh không đẹp nhưng có duyên. Cô có khuôn mặt tròn trịa, phúc hậu, khi hát mắt nhìn thẳng đoan trang, đằm thắm, làm say đắm khách thưởng lãm ca trù.

Rồi cứ đến hẹn lại lên, năm 2007 và 2009, Kiều Chinh tiếp tục  đoạt 2 huy chương vàng tại Hội diễn toàn quốc. Đó là chưa kể Chinh còn là chủ nhân một giải B trong Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức năm 2007 và nhiều bằng khen của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.

Năm 2005 tại Liên hoan ca trù toàn quốc, tỉnh Hải Dương có 4 câu lạc bộ ca trù tham gia. Chinh ở đoàn Câu lạc bộ của tỉnh. Khi biểu diễn xong, vào hậu trường sân khấu, cô bỗng nghe có tiếng đàn đáy của một đơn vị nào đang biểu diễn văng vẳng bên tai. Chinh lắng nghe và thích thú. Về sau cô mới biết là tiếng đàn đáy của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Tiếng đàn đã kích thích niềm đam mê hát ca trù và sau này cô được học hỏi nhiều từ ông.

Đã ngoài ba mươi xuân, Kiều Chinh đang vào độ chín thắm của cuộc đời và làm nghề ca hát. Mảnh đất Gia Lương (Gia Lộc) quê hương cô, nổi tiếng với quả táo, quả dưa hấu vỏ ngoài xanh thẫm mà trong lòng đỏ tươi sắc mặt trời hồng, vị ngọt thảo thơm đặc sắc. Gia Lộc bây giờ có thêm một tiếng chim hót. Đó là tiếng hát ca trù của đào nương Kiều Chinh làm đắm đuối hồn người.


KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiều Chinh với nét duyên ca trù