Trang trại với các giống vật nuôi quý như gà Đông Tảo, vịt trời, lợn Bỉ đem lại thu nhập trên một tỷ mỗi năm cho anh Phan Văn Miền ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình).
Khởi nghiệp với chăn nuôi bò sữa, bò thịt nhưng gặp nhiều khó khăn, thất bại do đầu ra của sản phẩm không ổn định, năm 2013 anh chuyển hướng sang chăn nuôi gà Đông Tảo.
Khởi nghiệp từ nuôi gà ĐôngTảo, anh Miền hiện kiếm 300 - 400 triệu mỗi năm từ loại đặc sản này. Ảnh: Phương Vy. |
“Trong một lần ra Hưng Yên, tôi được người quen giới thiệu giống gà Đông Tảo quý hiếm có giá cả chục triệu mỗi con nên bị cuốn hút. Tôi mua vài cặp về nuôi thử thì thấy không quá khó. Càng nuôi càng ham, tôi quyết định đầu tư cả trăm triệu nuôi gà đặc sản” anh Miền nói.
Lần đầu nuôi gà quý nên anh Miền bảo cũng khá lo lắng. “Sợ nhất là gà chết thì mất vốn vì giá gà giống Đông Tảo cao gấp 10–15 lần gà thường”, anh Miền cho biết thêm.
Để có kiến thức chăn nuôi, anh tìm tài liệu trong sách nông nghiệp, mạng internet và cả tham dự các khóa tập huấn. Biết được loại gà Đông Tảo có nhược điểm về đường hô hấp, yếu hơn gà thường nên anh cho tiêm phòng vắc xin phổi, tiêu chảy, nhỏ mắt, nhỏ mũi theo đúng hướng dẫn để gà khỏe mạnh. “Loại gà này lớn thì cho ăn như gà thường là cám, ngô và chăm sóc cũng dễ dàng hơn”, anh Miền nói.
Lứa gà Đông Tảo đầu tiên xuất bán trong dịp tết năm 2013 với doanh thu trên 100 triệu càng làm anh Miền quyết tâm dốc vốn vào nuôi gà quý. Có thời điểm, đàn gà đặc sản của gia đình anh lên tới hàng trăm con; cả gà mẹ, gà thịt và gà giống.
Khu trang trại hơn 3.000 m2 cũng được anh đầu tư cải tạo và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Mỗi chuồng được xây dựng kiên cố với diện tích khoảng 2m2 cho 5 con gà cả trống và mái sinh sống. Để phòng dịch bệnh, chủ trang trại cho bồi nền bằng cát sạch sau đó dải lớp trấu dày, khử trùng chuồng trại thường xuyên.
Vịt trời cũng đem đến nguồn thu lớn cho gia đình nông dân trẻ. Ảnh: Phương Vy. |
Theo lời anh Miền, gà Đông Tảo quý nhất đôi chân. Gà có chân càng to thì giá thành càng đắt. Những con gà chân to thường được bán với giá 10–30 triệu đồng. Gà chân thường có giá 3–4 triệu còn gà chân nhỏ bán 250.000–300.000 đồng mỗi kg.
Thu nhập từ bán gà thịt, gà giống và trứng gà Đông Tảo của ông chủ trang trại đều trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Ngoài gà đặc sản anh Miền cũng là người tiên phong trong tỉnh Ninh Bình đưa giống vịt trời, lợn siêu (Bỉ, Duroc, Đại Bạch), bò Laisind, Brahman… về nuôi. Riêng đàn vịt trời trong khu trang trại của anh có tới hàng vạn con từ vịt đẻ, vịt thương phẩm tới vịt giống.
“Những năm gần đây vịt trời được ưa chuộng vì thịt thơm, ngon và không tanh như vịt thường. Giá bán vịt thương phẩm lại cao gấp 2–3 lần mà cũng không đủ nguồn cung”, anh Miền cho hay.
Cũng theo anh Miền, cách chăn nuôi vịt trời không khác vịt thường nhưng khi nuôi với số lượng lớn phải chú ý phòng dịch cho chúng bằng cách nhúng mỏ vịt con vào thuốc theo định kỳ.
“Loài vịt trời ăn rất ít, mỗi ngày chỉ 0,7 lạng thức ăn. Mỗi lứa nuôi hơn 2 tháng thì xuất bán vịt thương phẩm với giá 120 – 150 nghìn đồng mỗi con. Trừ giống, thức ăn, thuốc thì người nuôi cũng lãi được một nửa”, chị Phạm Thị Hương (vợ anh Miền) cho biết thêm.
Hiện mỗi ngày trang trại của gia đình anh cung cấp khoảng 1.000 vịt thương phẩm cho các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh.
Việc chăn nuôi các con vật đặc sản quy mô lớn đem lại nguồn thu nhập ổn định mỗi năm trên một tỷ đồng cho ông chủ trang trại đồng thời tạo việc làm cho 20 lao động với mức lương cố định 5 – 6 triệu đồng mỗi tháng.
Có nguồn vốn ổn định, gia đình anh Miền nuôi thêm nhiều lợn, bò cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Phương Vy. |
Ông Phạm Hồng Hỷ - Chủ tịch Hội nông dân xã Yên Mạc cho biết, anh Phan Văn Miền là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của tỉnh Ninh Bình và là người tiên phòng đưa các giống vật nuôi quý như gà Đông Tảo, vịt trời, lợn siêu… về nuôi. Ngoài ra trang trại này còn nhân giống vật nuôi quý cho bà con trong, ngoài tỉnh, hướng dẫn cách chăm sóc cũng như đảm bảo đầu ra ổn định.
Phương Vy - Lê Hoàng (VnExpress)