Ngày 17-10 là ngày cả nước vì người nghèo. Nhân dịp này, cần nhìn nhận đúng đắn về sự phân hóa giàu nghèo, đang là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay trong xã hội ta.
Từ nhiều năm nay, nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt. Nhưng đồng thời, bước chuyển biến đó cũng tạo ra sự chênh lệch về thu nhập và mức sống trong các tầng lớp nhân dân. Bởi vì, bên cạnh chế độ công hữu là cơ sở nền tảng của chính trị và kinh tế, còn có chế độ sở hữu tư nhân với nhiều hình thức phát triển, tổ chức sản xuất khác nhau, được đánh giá là một trong những động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế nói chung. Tính tích cực của kinh tế tư nhân luôn luôn gắn chặt với lợi ích ích kỷ của nó, nên tất yếu dẫn đến khoảng cách giữa nhóm người thu nhập cao và nhóm người thu nhập thấp. Nhóm người thu nhập cao thường là các giám đốc điều hành, trưởng đại diện, trưởng phòng, cán bộ phụ trách kinh doanh... đang làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty liên doanh, công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng... Theo tài liệu công bố chính thức trên sàn chứng khoán, Việt Nam đã có hàng trăm triệu phú, một số người đã sở hữu tài sản đạt chuẩn hội viên “câu lạc bộ” 100 triệu đô-la. Những người thu nhập thấp là công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Hệ số thu nhập chênh lệch bình quân đầu người của nhóm 20% giàu nhất so với nhóm 20% thu nhập thấp nhất ở nước ta, năm 1990 là 4,1 lần, năm 2002 là 8,1 lần và năm nay là 8,6 lần. Đó là một con số ở mức báo động.
Nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp xóa đói giảm nghèo. Nhà nước khuyến khích người dân làm giàu chính đáng, đồng thời những người này lại giúp đỡ người khác thoát nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo. Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia xóa đói giảm nghèo. Đi đôi với kinh tế, coi trọng các tiêu chí về văn hóa, xã hội, xây dựng con người mới; phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân. Nhà nước còn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Mục tiêu nước mạnh, dân giàu, dân chủ, công bằng, văn minh là hướng đi lên của toàn xã hội, chắc chắn sẽ hạn chế và kiểm soát được sự phân hóa giàu nghèo đang diễn ra hiện nay.
NGUYỄN HỮU(TP Hải Dương)