Phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ

04/10/2018 15:35

Kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật cho thấy các trà lúa đang bị nhiễm những đối tượng bệnh hại như rầy nâu, sâu đục thân 2 chấm, bạc lá, đạo ôn lá.

Hiện nay, trà lúa mùa sớm đang ở thời kỳ chín hoàn toàn, lúa mùa trung đang trong giai đoạn chín sữa, chín sáp đến chín hoàn toàn, lúa mùa muộn đang ở thời kỳ làm đòng đến thấp tho trỗ. Kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật cho thấy các trà lúa đang bị nhiễm những đối tượng bệnh hại như rầy nâu, sâu đục thân 2 chấm, bạc lá, đạo ôn lá. Nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng tới năng suất lúa. Vì vậy, nông dân cần thực hiện các giải pháp sau:

1. Trừ rầy nâu: Khi phát hiện mật độ rầy cao, từ 1.500 - 2.000 con/m2 trở lên, tương ứng 50 con/khóm:

+ Với những diện tích lúa đã chín trên 85-90% phải thu hoạch sớm, tránh nguy cơ bị cháy rầy.

+ Với những diện tích lúa mới chín dưới 80% trở xuống hoặc lúa vẫn còn xanh thì cần phải khẩn trương phun thuốc trừ rầy. Để diệt rầy đạt hiệu quả nên sử dụng hỗn hợp thuốc có chứa hoạt chất Chlorpyriphos Ethyl với một trong số thuốc có chứa hoạt chất Nitenpyram hoặc Pymetrozine,Dinotefuran…. Nên phun thuốc vào thời điểm chiều mát.

  Lưu ý: Phải phun đủ lượng nước thuốc. Khi phun hạ thấp cần phun chụp bát sen xuống để thuốc tiếp xúc với gốc cây lúa. Phun xong nếu gặp mưa thì phun lại ngay. Sau khi phun thuốc phải luôn duy trì nước ở mặt ruộng tối thiểu từ 3-5 ngày.

2. Sâu đục thân hai chấm: Thường xuyên thăm đồng và kiểm tra bệnh trên trà lúa mùa muộn. Nếu thấy mật độ 0,5 ổ trứng/m2 phải tiến hành phun trừ bằng một số thuốc đặc hiệu như: Bonus 40EC, Regent 800WG,  DuPontTM Prevathon® 5SC, Kampon 600WP, Virtako 40WG, Padan 95SP…

3. Bệnh đạo ôn cổ bông: Tập trung theo dõi và phun phòng bệnh kịp thời trên trà lúa mùa muộn vào thời điểm lúa thấp tho trỗ hoặc sau khi đã trỗ gần thoát, nhất là trên các diện tích cấy lúa nếp ở các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà. Nên sử dụng một số loại thuốc như Fu-army 30 WP, Katana 20SC, Bump 800WP, Filia 525SE, Fendy 25WP, NP G6 666WP… để phun phòng.

4. Bệnh bạc lá: Theo dõi trên lúa mùa muộn, nếu thấy bệnh chớm xuất hiện thì chủ động phun phòng bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Xanthomix 20WP, Kasagen 250WP, Ychatot 900SP, Total 200WP, Lobo 8WP, Probicol  200WP, Avikhuan 105SP, Oka 20WP…

  Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ