Chủ động phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi

30/10/2018 14:26

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Bệnh này lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1921, sau đó lây lan nhanh chóng, trở thành dịch bệnh tại nhiều nước. Bệnh khiến lợn có tỷ lệ ốm và chết lên tới 100%. Bệnh chưa có vaccine, thuốc điều trị hiệu quả nên để chủ động phòng ngừa, người dân cần nắm vững những thông tin cơ bản về bệnh và các biện pháp phòng trừ sau:

1. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh DTLCP do virus gây ra, lây lan nhanh trên mọi loại lợn và các lứa tuổi của lợn. Virus DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết xác động vật, trong thịt lợn và các thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông...

 2. Triệu chứng bệnh

- Thể quá cấp: Thể này thường ít gặp mà nếu gặp thì chủ yếu ở những ca bệnh xuất hiện lần đầu tiên. Lợn đột ngột sốt cao, khoảng 42 độ C, kéo dài 2-3 ngày rồi chết.

- Thể cấp tính: Thể này do virus có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (từ 40,5-42 độ C). Trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, sau chuyển sang màu sẫm xanh tím.

- Thể mạn tính: Virus gây bệnh ở thể này có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp.

3. Biện pháp phòng ngừa

Hiện bệnh DTLCP chưa có vaccine phòng và thuốc đặc trị nên chỉ có thể phòng bệnh từ xa bằng các biện pháp sau:

- Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn.

- Thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo quy hoạch được duyệt, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định. Ưu tiên chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Thống kê tổng đàn lợn, từ đó chủ động nguồn vaccine tiêm phòng cho các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đúng đối tượng, đúng yêu cầu kỹ thuật.

- Thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường ở những nơi công cộng, nơi có nguy cơ và tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến gia súc, sản phẩm gia súc. Kiên quyết xử lý tình trạng chăn nuôi không bảo đảm an toàn dịch bệnh, giết mổ động vật không đúng quy định.

- Tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại gia đình, nếu thấy đàn lợn có những biểu hiện khác thường nghi ngờ mắc bệnh DTLCP thì báo ngay với chính quyền và cơ quan thú y để tổ chức lấy mẫu, chẩn đoán, xét nghiệm xác định bệnh và có kế hoạch phòng trị kịp thời.

- Thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng vaccine theo quy định của cơ quan thú y. Tổ chức tiêm bổ sung cho đàn lợn khi đã đến tuổi, cách ly lợn mới nhập về. Sau mỗi lứa xuất bán, phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và có thời gian trống chuồng ít nhất từ 15-21 ngày trước khi nhập lứa mới. Con giống nhập về phải có nguồn gốc, được tiêm phòng đầy đủ và có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ của cơ quan thú y nơi xuất phát.

- Khi xuất hiện bệnh DTLCP, phải nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh. Định kỳ khử trùng, tiêu độc tại các trang trại, gia trại, những cơ sở giết mổ, nơi tập kết, chợ kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ lợn.

NGUYỄN MINH ĐỨC

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh

(0) Bình luận
Chủ động phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi