Sáng 13.1, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, trực tuyến tại 65 điểm cầu trên cả nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đồng chí Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương.
Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và Ban tổ chức các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cùng dự.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng
Báo cáo kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết năm 2021, năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, trách nhiệm, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng vừa chung tay phòng, chống dịch COVID-19 vừa tham mưu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Ngành đã tham mưu xây dựng báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng, Quy chế bầu cử, Quy chế làm việc và tham mưu công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, nhân sự bầu cử Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp; kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021-2026 bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan. Triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác tổ chức xây dựng Đảng; trong đó, đã hoàn thành cơ bản các đề án, nhiệm vụ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp theo chương trình, kế hoạch công tác năm 2021.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương
Ngành tham mưu Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30.7.2021 về thi hành Điều lệ Đảng; Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28.9.2021 của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng; tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ với mức độ cao hơn, yêu cầu nghiêm khắc hơn, trong đó Kết luận số 21-KL/TW ngày 25.10.2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) thể hiện quyết tâm chính trị cao nhằm góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng.
Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng vị trí việc làm gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt nhiều kết quả quan trọng. Kết quả tinh giản biên chế của toàn hệ thống chính trị đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, khắc phục được tình trạng tăng biên chế trong nhiều nhiệm kỳ.
Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, về cơ bản, đã đạt được mục tiêu tinh giản biên chế. Tính đến thời điểm 30.6.2021, cả hệ thống chính trị có hơn 2.887.500 biên chế, giảm hơn 762.800 biên chế (tương đương 20,9%) so với thời điểm 30.4.2015.
Một số nội dung mới, khó trong công tác cán bộ đã được toàn ngành nỗ lực tham mưu, hoàn thành như: Quy định về công tác quy hoạch cán bộ; kết luận về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; khen thưởng cống hiến; rà soát chức danh tương đương... qua đó góp phần từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ.
Năm 2021, toàn ngành đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về tổ chức xây dựng Đảng, chú trọng khảo sát thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm, nhất là từ những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả; nâng cao hiệu quả tuyên truyền về xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Kế hoạch số 04-KH/BTCTW ngày 22.3.2021 thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021; tích cực triển khai Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên Búa Liềm vàng lần thứ VI-năm 2021 với số lượng tác phẩm nhiều nhất trong 6 mùa giải.
Hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị
Năm 2022 - năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, tập trung triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2022 bảo đảm tiến độ, chất lượng, tập trung tham mưu và tổ chức thực hiện 19 đề án về tổ chức xây dựng Đảng trong Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022; trong đó, có 2 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương; 10 đề án trình Bộ Chính trị và 7 đề án trình Ban Bí thư; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của toàn ngành để hoàn thiện mức cao nhất các Đề án trình Hội nghị Trung ương 5, Trung ương 6 (khóa XIII).
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Ngành tiếp tục tham mưu, triển khai, thực hiện tốt các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ: Triển khai xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 theo Quy định số 50-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị. Tham mưu sơ kết, tổng kết, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản của Đảng liên quan đến công tác cán bộ. Triển khai nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế, chính sách về công tác cán bộ. Kịp thời tham mưu bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử bảo đảm tiêu chuẩn, quy trình, quy định của Đảng. Triển khai các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp trong quy hoạch và theo tiêu chuẩn chức danh.
Ngành tiếp tục tham mưu đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổng kết việc thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016-2021; đề xuất biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026; sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện một số mô hình thí điểm và nhân rộng những mô hình mới có hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Toàn ngành kiên quyết, kiên trì tham mưu thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận 21-KL/TW ngày 25.10.2021 tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Triển khai thực hiện đồng bộ 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nêu tại Kế hoạch số 03-KH/TW thực hiện Kết luận 21-KL/TW; trong đó, toàn ngành tập trung tham mưu thực hiện 7 nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch của Bộ Chính trị.
Năm 2022, ngành tiếp tục tham mưu hoàn thiện các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác bảo vệ cương lĩnh, đường lối, nền tảng tư tưởng của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; kiện toàn tổ chức cơ sở đảng phù hợp với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở; rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng; tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy cơ sở; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng gắn với tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng” lần thứ VII-năm 2022 ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Ngành tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức xây dựng Đảng, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ; hướng dẫn, kiểm tra ban tổ chức cấp ủy các cấp trong việc thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo Quy định số 179-QĐ/TW ngày 25.2.2019 của Bộ Chính trị; hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch khảo sát của các ban chỉ đạo xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp, góp phần củng cố cơ sở thực tiễn, nâng cao chất lượng xây dựng đề án.
Ngành tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối, tác phong làm việc gắn với cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Ngành tổ chức xây dựng Đảng đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua vừa phòng chống đại dịch COVID-19 vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”...
Theo TTXVN - PV