Cầm trên tay tập thơ “Khúc ru tình” của Phạm Ánh Sao, tôi mường tượng ra những câu thơ mượt mà đằm thắm.
Cầm trên tay tập thơ “Khúc ru tình” của Phạm Ánh Sao, tôi mường tượng ra những câu thơ mượt mà đằm thắm, những dòng thơ được gia công kỹ lưỡng với những câu kết thật “đỉnh” luôn sẵn có ở thơ ông như tôi đã được biết, được thấy. Tới khi lần giở những trang thơ, sự khâm phục còn nguyên và sự ngỡ ngàng thức dậy khiến tôi như bị cuốn vào thế giới của những gam màu vô cùng sinh động.
“Khúc ru tình” với 50 bài thơ, viết theo thể Tanka (đoản ca) - loại thơ ngắn Nhật Bản, thể thơ thường có 31 âm tiết được viết thành năm dòng với thứ tự số âm tiết ở các dòng: 5-7-5-7-7 đầy cô đọng, cuốn hút đã mở ra trước mắt tôi một thế giới thơ mới lạ, dẫn dụ tôi đi hết cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác.
Trước hết, là tên của mỗi bài thơ khiến tôi cứ muốn đọc to lên để nghe rõ sự ngân nga, tươi mới. Tên mỗi bài thơ đã là một câu thơ đẹp, những “Mùa hoa cải nhớ trong nhau”, “Dòng sông neo đậu ký ức tuổi thơ tôi”’, “Giấc mơ bình minh vẫn bùng cháy”… cứ lấp lánh, dịu dàng, đằm thắm đến khôn cùng. Trong 50 bài thơ thì dễ có đến hơn 40 bài có tên rất thơ như thế. Tôi có cảm tưởng ông đang cố gắng làm mới thể thơ Tanka, biến thể loại thơ Tanka Nhật Bản thành một loại Tanka của riêng Việt Nam.
Đọc thơ Phạm Ánh Sao, không ai tin rằng đó là một Ánh Sao đã ở tuổi gần bảy mươi. Sự tìm tòi, khám phá con đường thơ mới đã khiến cho ta thấy ở đó là một chàng thanh niên đương nồng nàn yêu đương, rộn ràng mê đắm: “Chợt một vùng hoa cải/Mong manh vàng nở dọc triền sông/Tuổi em tôi mười bảy/Ánh mắt tinh khôi ngong ngóng trông/Lời yêu giữa vàng mùa hoa cải” (Mùa hoa cải nhớ trong nhau). Hay: “Làm tôi chết nửa đời/Hôm bắt được nụ cười em rơi/Làm tôi chết cả đời/Khi biết được có người thương em/Tương tư buồn giấu nhớ vào đêm” (Ngơ ngẩn cả đời yêu). Hoặc: “...Buổi tối hai cái bóng/Lẫn vào nhau lõa thể đêm nghiêng/Khúc ru tình lướt khướt môi mềm” (Khúc ru tình níu giấc ngủ xuân thì).
Bên cạnh đó, lại có một Phạm Ánh Sao đầy trắc ẩn: “…Ước mơ tôi bay đến/Đậu trên những đô thành văn minh/Bụi đời mơ mái ấm cho mình” (Những giấc mơ ám ảnh cuộc đời tôi). Một Phạm Ánh Sao quặn thắt trước hình ảnh những người mẹ thắp hương trước di ảnh con là liệt sĩ, với “...Bóng in tường cũ kỹ/Mang hình hài những dấu chấm than/Khói nhập nhòa bóng mẹ hình con”. (Tình mẫu tử ngàn đời còn sáng). Quặn thắt trước những hàng hàng mộ chí vô danh ở Nghĩa trang Trường Sơn: “Một, hai, ba, bốn ngàn/Phần mộ nghĩa trang Trường Sơn trắng/Nút thắt ký ức buồn/Điểm danh ô chữ nhật xếp hàng/Quên tháng ngày lặng lẽ vô danh” (Máu xương thấm đất cỏ non tơ).
Và hơn hết thảy, tập thơ là một bản tình ca trong vắt, thánh thiện, là ân tình với cuộc đời, con người. Ở đó, không chỉ có “…Nhà thơ giấu nỗi niềm/Trong mảnh đời chưa thôi sấp ngửa/Rút ruột tằm buộc những vần thơ” (Chưa thôi những mảnh đời sấp ngửa thơ) mà còn chất chứa đầy yêu thương khiến người đọc dường như cũng trở nên trong veo, thánh thiện: "Mái đình cong nỗi nhớ/Khóm tre giã kẽo kẹt võng đưa/Tiếng mẹ ru vọng mãi đến giờ” (Ầu ơ nhịp võng đong đầy lời ru) …
Vẫn là Phạm Ánh Sao thơ mà tôi và bạn đọc đã từng gặp trong “Tự tình thu”; “Nhịp tháng giêng” và những tập thơ khác. Nhưng với “Khúc ru tình” ông như quen mà rất lạ. Quen ở sự nồng nàn, đằm thắm và lạ ở phong cách thơ, ở chất thơ hiện đại, cô đọng chỉ có ở Tanka.
Tôi thấy mình thật may mắn khi được đọc “Khúc ru tình”, được rung cảm với từng bài thơ - từng bức họa nhỏ xinh mà đầy chất thẩm mỹ, đầy chất nhân văn của Phạm Ánh Sao. Và tôi nhận ra một điều rằng với một người thơ sự tìm tòi, khám phá, sự sáng tạo luôn ở phía trước. Với năng lượng tràn đầy, họ bứt phá khỏi giới hạn của bản thân và phá bỏ mọi rào cản để làm mới thơ, làm mới mình.
TRẦN THÙY LINH