“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giổ Tổ mùng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm”.
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giổ Tổ mùng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm”. Câu ca dao ấy đã đi vào lòng người dân Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hàng nghìn năm nay Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng”, chương “Đất nước” đã viết: “Hằng năm ăn đâu, làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”. Mạch thơ hướng vọng về tổ tiên luôn được các nhà thơ mở ra nhiều chiều liên tưởng, từ trầm tích lịch sử quá khứ luôn là bệ phóng cho tương lai. Nhà thơ Hữu Thỉnh thật có lý khi ông viết lời tựa cho tập “Thơ Đền Hùng” bằng những lời cô đọng và xúc động: “Về Đền Hùng là hành hương với sử và hành hương cùng với thơ. Thơ ấy, dù hàm súc, đường bệ hay nồng nàn, phóng khoáng thì nền tảng vẫn là cảm hứng lịch sử, hồn cốt vẫn là tôn vinh quá khứ thăng hoa ở đó và đồng điệu cũng từ đó".
Trong tâm thức người Việt, hai tiếng “đồng bào” cùng chung bọc trứng của mẹ Âu Cơ như là cội nguồn dân tộc mà trong khi đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945, Bác Hồ đã dừng lại và hỏi thật thân thiết: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Cây có gốc, nước có nguồn, chim có tổ, người tìm tông. Đền Hùng chính là biểu tượng quy tụ và gắn bó dân tộc Việt Nam. Hình ảnh chiếc bánh chưng và câu chuyện về chàng Lang Liêu đã in đậm trong ký ức dân tộc. Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hùng, núi Hy Cương - nơi tương truyền các Vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng tiến hành các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng phồn thực nông nghiệp của người Việt cổ. Từ đây hình thành sơ khai nền nông nghiệp lúa nước, cầu cho mưa nắng thuận hòa, muôn dân ấm no hạnh phúc. Hình ảnh nhà vua cùng đi cày, dạy dân cày ruộng là một tập quán đẹp, một sự hòa đồng thân thiết xóa đi bao khoảng cách thứ bậc...
Đến Đền Hùng, ta được tắm trong màu xanh của cây cối cổ sơ. Có những tán cổ thụ cao vút, những cây chò, cây vạn tuế hàng trăm năm tuổi. Hằng năm, đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, con cháu muôn phương về đây leo từng bậc thang dâng lên nén hương thơm, những phẩm vật địa phương hòa mình trong dòng người, trong không gian linh thiêng núi sông tụ khí ở vùng đất Tổ. Hình ảnh tàu lá cọ của miền đất trung du gợi cho ta ngọn lửa màu xanh bất diệt. Bao người con đi xa ra ngoài biên giới vẫn giữ nguyên phong tục đẹp của người Việt, vẫn nhận ra nhau qua tiếng chào mời, vẫn vuông tròn đầy đặn tấm bánh chưng xanh muôn thuở. Và tôi đã viết: “Con thuyền Tổ quốc tôi băng mình qua bão tố/ Từ hoa văn cuộn sóng trống đồng”. Tiếng trống lịch sử vẫn còn ngân vọng thiết tha trong mỗi huyết mạch chúng ta. Tiếng trống là thang âm kỳ diệu nhất trong những thang âm dân ca dân tộc bởi được hội tụ linh khí và khát vọng bắt đầu từ một dòng chảy tiềm ẩn năng lượng, khởi thủy từ cội nguồn đất Tổ Hùng Vương…
Tản văn của NGUYỄN NGỌC PHÚ