Việc làm thủy lợi, khơi thông dòng chảy, phục vụ nước tưới cho rau màu rất bức thiết được chính quyền nơi đây đặc biệt quan tâm...
Học sinh khu C Kim Thành hăng hái làm thủy lợi
Khu C Kim Thành có thế mạnh sản xuất rau màu, mang lại giá trị kinh tế cao. Vì thế việc làm thủy lợi, khơi thông dòng chảy, phục vụ nước tưới cho rau màu rất bức thiết. Nhận thức được điều đó, gần 10 năm nay, huyện Kim Thành phát động và duy trì Ngày toàn dân làm thủy lợi đông xuân.
Nhu cầu bức thiếtNgày 1-12, chúng tôi về khu C Kim Thành để chứng kiến Ngày toàn dân làm thủy lợi đông xuân. Đến Đồng Gia, từ mọi con đường của xã chúng tôi gặp từng đoàn người vác cuốc, vác cào. Điều đặc biệt là học sinh, đoàn viên thanh niên cũng tích cực tham gia. Cô Đồng Thị Huyền, giáo viên dạy ngữ văn, Trường THCS Đồng Gia cho biết: “Năm nào nhà trường cũng huy động hơn 60 học sinh khối lớp 9 tham gia làm thủy lợi đông xuân. Qua đó, giúp học sinh nâng cao ý thức đoàn kết, rèn luyện lao động”.
Hiện tại, xã Đồng Gia có hơn 251 ha rau màu vụ đông, 25 tuyến kênh tưới, kênh tiêu cho rau màu và các khu dân cư. Hằng năm, ngoài kế hoạch làm thủy lợi của huyện, UBND xã chỉ đạo nhân dân tự giác làm thủy lợi ngay đầu bờ ruộng của mình, tránh ách tắc dòng chảy. Ông Đồng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đồng Gia chuyên canh rau màu, nguồn nước phải được duy trì thường xuyên. Vì thế Ngày toàn dân làm thủy lợi đông xuân, toàn xã đã huy động hơn 550 người tham gia làm thủy lợi. Làm thủy lợi không chỉ nạo vét mương máng, mà còn dọn cỏ, đào đắp bờ, chỉnh trang đồng ruộng, bảo đảm sản xuất nông nghiệp”.
Xã Bình Dân có 220 ha đất canh tác, nông dân gieo trồng 2 vụ lúa, 2 vụ màu/năm. Từ đầu tháng 11, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể làm thủy lợi đông xuân, khơi thông mương máng, bảo đảm nước tưới cho rau màu. Cùng với Ngày toàn dân làm thủy lợi đông xuân của huyện, xã đã huy động được hơn 600 người đi nạo vét kênh, dọn cỏ để khơi thông dòng chảy. Bà Ngô Thị Thu, Bí thư Đảng ủy xã Bình Dân cho biết: “Ngày 1-12, nhiều nông dân đã tập trung ngoài đồng để làm thủy lợi. Ngoài việc nạo vét kênh, nông dân còn kết hợp bắt chuột, đắp bờ. Nhờ đó, nhiều năm nay, kênh tưới ở xã không bị tắc nghẽn, luôn bảo đảm nhu cầu tưới tiêu cho nông dân”.
Các xã khu C Kim Thành như Đồng Gia, Bình Dân, Cẩm La… mỗi năm thu hoạch từ cây vụ đông 37-40 tỷ đồng. Vì thế, làm thủy lợi đông xuân, dọn đồng ruộng, khơi thông mương máng là việc làm thường xuyên được toàn dân hưởng ứng. Ngày toàn dân làm thủy lợi đã góp phần nâng cao ý thức làm đồng, vừa cung cấp nước tưới cho rau màu, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng ruộng.
Duy trì ngày làm thủy lợiKhu C Kim Thành gồm có 7 xã, với hơn 2.425 ha canh tác (chiếm 45% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn huyện). Hiện tại, khu C có 30 km kênh cấp 1 và hơn 30 km kênh cấp 2, cấp 3, nhưng tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa còn hạn chế, khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ngày làm thủy lợi đông xuân có thể vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Vào ngày này, các xã huy động toàn bộ sức dân làm thủy lợi, chung tay dọn mương máng, kênh tưới, kênh tiêu để bảo đảm nước tưới cho rau màu. Vì thế, việc làm thủy lợi đông xuân từ lâu đã trở thành thói quen đi vào tiềm thức của người dân. Ai cũng hăng hái ra đồng làm thủy lợi. Nhiều người dân đã nhận thức được đây chính là ngày truyền thống làm thủy lợi của nhân dân Kim Thành.
Theo kế hoạch làm thủy lợi đông xuân năm nay, toàn huyện được giao làm 60 nghìn m3, đến nay Kim Thành làm được hơn 60% khối lượng, phấn đấu đến ngày 25-12 hoàn thành kế hoạch. Riêng Ngày toàn dân làm thủy lợi đông xuân, toàn huyện đã huy động được hơn 10 nghìn người tham gia, khơi thông được hơn 7.000 m3 kênh mương. Ông Nguyễn Đồng Khởi, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kim Thành cho biết: “Phát động Ngày toàn dân làm thủy lợi đông xuân tạo nên khí thế mới, giúp các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, UBND huyện và xí nghiệp cũng đã chỉ đạo các xã chủ động làm thủy lợi của địa phương, hoàn thành kế hoạch được giao. Các địa phương tích cực đôn đốc nhân dân tự giác làm thủy lợi ngay tại khu vực ruộng của mình, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp…”
Từ phong trào, nhiều xã đã có ý thức tự dọn vệ sinh kênh mương, vớt bèo, dọn cỏ các kênh tiểu thủy lợi. Do đặc thù chuyên canh rau màu nên ở khu C các kênh tưới tiêu đều được dọn, khơi thông sạch sẽ. Nông dân có ý thức chăm chút đồng ruộng.
MINH NGUYÊN