Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi dự báo, từ nay đến cuối năm vẫn cân đối cung-cầu nguồn thực phẩm.
Hiện nay, mỗi tháng chúng ta sản xuất được khoảng 220.000 đến 230.000 tấn thịt lợn và khoảng 50.000 đến 60.000 tấn thịt gia cầm. Với nhu cầu và nguồn cung như hiện nay thì cơ bản chúng ta đáp ứng được. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm, nhất là vào dịp Tết âm lịch thì nhu cầu sẽ tăng lên so với bình thường khoảng 10 đến 15%.
Cũng theo ông Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Cục Chăn nuôi tính đến phương án phòng rủi ro bất trắc do thiên tai dịch bệnh. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương phát triển đàn ổn định, đặc biệt coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh. “Chúng tôi đang lên kế hoạch trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh để bảo đảm nguồn cung sắp tới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang yêu cầu Cục Chăn nuôi xây dựng phương án sử dụng hiệu quả thức ăn trong chăn nuôi và chúng tôi đã trình Bộ dự thảo với mong muốn có giải pháp căn cơ hơn để sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước” – ông Sơn nói.
Những tháng cuối năm, theo ông Sơn, việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi sẽ không có đột biến. Lý do là hiện nay giá thực phẩm trong nước so với thế giới đứng ở mức thấp nên nguồn thực phẩm nhập vào không phải là nhiều, nhất là thời điểm hiện nay. 6-7 tháng chúng ta mới nhập khoảng 40 nghìn tấn thịt các loại, trong đó chủ yếu là thịt gà, một phần thịt lợn. Và trong điều kiện sản xuất hiện nay, “Chúng ta cũng không cần phải có chính sách đặc biệt để nhập khẩu thịt nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước”, theo ông Sơn.
Hà Nam(VOV)