Không thể nào vẩn đục Biển Đông

27/05/2014 09:23


Giữa những ngày Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, tập "Mênh mông trước biển" của nhà thơ tỉnh Phú Yên kết nghĩa Nguyễn Tường Văn như nói lên tấm lòng của tất cả chúng ta. Bài thơ "Mênh mông trước biển" (cũng là tên tập thơ) của ông viết: "Không thể nào vẩn đục Biển Đông/Khi đất mẹ chuyển xanh màu sự sống/Ôi, Tổ quốc lòng ta đang cháy bỏng/Ngọn lửa của thời độc lập, tự do/Có phải nơi đây giao điểm hẹn hò/Những bóng quạ đen Đông phương lạc loài kéo đến".

Trong nhiều bài khác, ta cũng chạm vào quá khứ thiêng liêng của biển. "Những mộ gió hiện đầy vùng ký ức/Đây hùng binh, vua lệnh giữ Hoàng Sa", và "Dòng hải lưu Biển Đông xuôi trăm ngả/Cùng đảo tiền tiêu thức gác biên cương" (Đêm trên đảo tiền tiêu).

Ngay cả khi xa biển, đi sâu vào đất liền, núi non cách trở, nhà thơ cũng "Con về trong đất mẹ ơi/Mà nghe núi thẳm nói lời Biển Đông" (Khúc ru lòng mẹ).

Nhà thơ luôn luôn ám ảnh "Có một thời xa xôi/Nỗi đau nào vô cớ/Tràn lên bờ biển nhớ/Sóng dập dồi nhân gian" (Nhân gian).

Nhà thơ Nguyễn Tường Văn sinh ở Tuy Hòa (Phú Yên), lớn lên trong chế độ Mỹ ngụy nên ông sớm gia nhập cuộc đấu tranh của lớp trẻ. Học ở Đà Lạt, ông trở thành thủ lĩnh của phong trào sinh viên, hoạt động trong Hiệp hội Báo chí sinh viên miền Nam. Là chủ bút tập san "Tin tưởng", ông và các bạn dùng ngòi bút làm vũ khí đấu tranh, thức tỉnh lòng yêu nước của học sinh, sinh viên và nhân dân. Trong tập "Mênh mông trước biển" cũng chọn đăng nhiều bài thơ ông sáng tác trước giải phóng, đòi tự do, xóa bỏ thân phận "đâm thuê chém mướn" cho ngoại bang, tiêu biểu là các bài "Viết từ trung tâm nhập ngũ", "Mưa trên Poncho", "Trên phiến đá trổ bông"... Ông đòi: "Người hãy cho ta tự do/Tự do xin một điều/Không trang bị "chính nghĩa" trên lưỡi lê/Không ngụy trang "lý tưởng" trong nòng súng/ Súng nào bắn lại anh em/ Ngót phần tư thế kỷ điêu tàn" (Tình ca cho tự do, viết 1969).

Sau Đại thắng mùa xuân 1975, Nguyễn Tường Văn dành tâm huyết cho nghề dạy học, có thời chụp ảnh, nhưng rồi số phận lại đưa ông về gắn bó với nghiệp văn. Ông trở thành người biên tập chương trình văn hóa văn nghệ của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Yên. Ông say mê sáng tác thơ và góp phần khơi gợi lòng yêu thơ của lớp trẻ. Ông là một trong những sáng lập viên đêm thơ Nguyên tiêu của tỉnh Phú Yên hàng mấy chục năm trước, để rồi từ đó Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ Việt nam sau này. Thơ Nguyễn Tường Văn hội nhập rất nhanh với dòng thơ hôm nay. Có những bài thơ về thế sự như nhiều nhà thơ, nhưng bên cạnh đó vẫn có thơ về tình yêu, thơ về quê hương, đất nước. Có những bài thơ đạt tới chiều sâu của tâm trạng, trước những thực tế còn đau thương, chua xót: "Cha ơi đã qua thời trận mạc/Mẹ còn nhen bếp cành tre khô/Tro trắng bay vương đầu tóc bạc/Mắt trẻ bỗng cay chiều nhập nhòa" (Trước mộ cha).

Nguyễn Tường Văn đã xuất bản các tập thơ "Trên phiến đá trổ bông", "Tình ca cho tự do", "Mênh mông trước biển" và có mặt trong hơn 30 tập thơ các vùng miền và cả nước. Nhà thơ Thanh Quế, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, từng nhận xét: "Có người để lại cái tình, cái giọng riêng, tâm hồn riêng cứ bảng lảng bên ta, làm ta không thể nào quên được. Tôi nhớ về thơ của Nguyễn Tường Văn như thế đó". Tập thơ "Mênh mông trước biển" của ông cũng đã đạt được như vậy.

VƯƠNG BẠCH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể nào vẩn đục Biển Đông