Từ ngày 1.1.2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành.
Luật quy định không được cho mượn, sử dụng tài sản công vào mục đích cá nhân. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước có thể cho cơ quan nhà nước khác, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội sử dụng chung hội trường, phương tiện vận tải theo đúng công năng của tài sản, bảo đảm an ninh, an toàn và được thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí trực tiếp liên quan đến vận hành tài sản. Đồng thời, cơ quan nhà nước cũng được sử dụng nhà ở công vụ, quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và tài sản công khác để khai thác theo quy định; việc quản lý, sử dụng số tiền thu được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cũng theo luật này, cơ quan nhà nước được thuê tài sản phục vụ hoạt động khi chưa có tài sản hoặc còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức và trong các trường hợp: Nhà nước không có tài sản để giao; sử dụng tài sản trong thời gian ngắn hoặc sử dụng không thường xuyên; việc thuê tài sản hiệu quả hơn so với việc đầu tư xây dựng, mua sắm.
Tài sản công sẽ bị thu hồi trong các trường hợp: trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng; được Nhà nước giao trụ sở mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế; tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn; chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; tài sản đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng… Tài sản công sau khi bị thu hồi được xử lý theo một trong những hình thức: giao cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng; điều chuyển; bán, thanh lý; tiêu hủy…