Thời gian qua, một số hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Cầu đã được kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn.
Quang cảnh buổi tổng kết Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn 2016 -2020 và định hướng quản lý môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn tiếp theo
Sáng 4.12, tại TP Hải Dương, Uỷ ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Cầu tổ chức hội nghị tổng kết Đề án BVMT lưu vực sông Cầu giai đoạn 2016 -2020 và định hướng quản lý môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn tiếp theo (phiên họp thứ 16).
Các đồng chí: Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban BVMT lưu vực sông Cầu; Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Uỷ ban BVMT lưu vực sông Cầu đồng chủ trì.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, thành viên Uỷ ban BVMT lưu vực sông Cầu 6 tỉnh (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương), đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban BVMT lưu vực sông Cầu khẳng định từ khi thành lập đến nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của 6 tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu, Đề án BVMT lưu vực sông Cầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước đã từng bước được cải thiện, một số vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng bước đầu đã được quan tâm và phối hợp giải quyết hiệu quả. Năm 2020 đánh dấu 14 năm (2006-2020) triển khai đề án với 5 nhiệm kỳ Chủ tịch Uỷ ban BVMT lưu vực sông Cầu luân phiên. Đây là thời điểm quan trọng để đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ những khó khăn, hạn chế để đề xuất các giải pháp cho giai đoạn sau năm 2020. Chủ tịch Uỷ ban BVMT lưu vực sông Cầu cũng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần tập trung làm rõ, đề xuất các giải pháp cụ thể, định hướng công tác BVMT lưu vực sông Cầu trong giai đoạn mới.
Phát biểu định hướng thảo luận tổng kết Đề án BVMT lưu vực sông Cầu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyện Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu cần tập trung làm rõ những kết quả trong thực hiện đề án; phân tích các chỉ tiêu đạt được cũng như kết quả thực hiện kết luận của Uỷ ban tại các phiên họp; thẳng thắn đánh giá hạn chế, yếu kém để góp ý, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới...
Giai đoạn 2006-2020, Uỷ ban BVMT lưu vực sông Cầu đã trải qua 5 nhiệm kỳ, tổ chức thành công 16 phiên họp và 5 lễ chuyển giao nhiệm kỳ. Uỷ ban đã đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để thực hiện đề án hiệu quả. Giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh trên sông Cầu giáp ranh 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Các tỉnh trên lưu vực sông Cầu cũng đã ban hành hơn 100 văn bản tập trung vào thực thi xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt. Triển khai thực hiện 18 đề án tại 6 tỉnh thuộc lưu vực với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Phối hợp với Trung ương và địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra 345 cơ sở liên quan đến BVMT, xử phạt 68 cơ sở với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Giai đoạn 2006-2020, lưu vực sông Cầu không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới. Một số hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên lưu vực đã được kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT được nâng cao. Việc giải quyết các vấn đề môi trường giữa các địa phương, bộ ngành từ Trung ương đến địa phương được phối hợp chặt chẽ... Tuy nhiên, đề án còn một số hạn chế: các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động vi phạm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Ý thức trách nhiệm về BVMT của một bộ phận lãnh đạo các cấp chính quyền còn chưa cao, còn nặng ưu tiên phát triển kinh tế, xem nhẹ các yêu cầu về BVMT. Công tác thống kê các nguồn nước thải vào lưu vực sông Cầu của các địa phương đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên, chưa xây dựng thành cơ sở dữ liệu dẫn đến chia sẻ, tổng hợp và đánh giá trên toàn lưu vực khó khăn; còn hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương...
10 lượt ý kiến tham gia thảo luận làm rõ những kết quả đạt được của đề án, các hạn chế, khó khăn, đồng thời đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng BVMT lưu vực sông Cầu trong thời gian tới như cần có định hướng quản lý môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn mới; có cơ chế chính sách đặc thù cho công tác BVMT lưu vực sông Cầu...
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch Uỷ ban BVMT lưu vực sông Cầu Nguyễn Dương Thái ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm của các tỉnh trên lưu vực sông Cầu trong việc thực hiện đề án này. Về định hướng triển khai kết hoạch quản lý môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn tiếp theo, đồng chí đề nghị UBND các địa phương trên lưu vực sông Cầu chưa hoàn thành mục tiêu, nội dung đề ra đến năm 2020 thì cần khẩn trương tiếp tục rà soát, đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Đối với phần nội dung, định hướng triển khai đề án giai đoạn tiếp theo, đề nghị Văn phòng Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉnh sửa, bổ sung chi tiết, cụ thể trong báo cáo và báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ theo hướng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá như: trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, BVMT. Ủy ban sớm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu, có cơ chế chính sách đặc thù cho lưu vực sông nói chung và lưu vực sông Cầu nói riêng. Đặc biệt là chính sách thu hút, phân bổ nguồn vốn để thực hiện một số nhiệm vụ, dự án về cải thiện chất lượng nước lưu vực sông Cầu, chính sách hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đầu nguồn. Ưu tiên các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và rác thải sinh hoạt. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị cho các địa phương trên lưu vực sông Cầu theo hướng hợp tác công - tư, xã hội hoá. Địa phương nào gây ô nhiễm chính chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm lưu vực sông...
PV