"Không phát hiện = Không lây truyền HIV"

09/12/2018 14:56

Là người nhiễm HIV, sống chung 23 năm qua mà không lây truyền HIV cho người bạn tình.

Đó là chia sẻ của TS John Blandford, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam trong một sự kiện nhân Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS tổ chức tại Hà Nội hôm 29.11 vừa qua khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Câu chuyện của TS John Blandford đã lan tỏa trên truyền thông và trở thành thông điệp rất tích cực về phòng chống HIV/AIDS hiện nay.

Đặc biệt hơn nữa, TS John Blandford còn truyền tải tới người dân Việt Nam thông điệp K = K (Không phát hiện = Không lây truyền HIV). Đây là một thông điệp mới về lợi ích của việc điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV. Tuyên bố trên do cộng đồng y khoa và khoa học toàn cầu đi đầu trong nghiên cứu và điều trị HIV/AIDS công bố tại Hội nghị quốc tế lần thứ 22 về AIDS năm 2018. Thông điệp này dựa trên bằng chứng khoa học về việc người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục từ không đáng kể đến không có nguy cơ. Điều này có ý nghĩa rằng một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình. Thông điệp này làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và khuyến khích những người nhiễm HIV tuân thủ điều trị.

Thông điệp này càng có sức nặng khi phản ánh đúng thực trạng của công tác phòng chống và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS hiện nay tại Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng. Chúng ta vẫn đang gặp phải rào cản lớn, đó chính là sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. 

Tại Hải Dương, nhiều người nhiễm HIV tự kỳ thị chính bản thân và càng sợ bị cộng đồng phân biệt đối xử. Đây vẫn luôn là tấm lưới vô hình làm cho người nhiễm HIV sợ "lộ diện", sợ đến các cơ sở y tế để tiếp cận việc điều trị. Mặc dù mạng lưới phục vụ việc xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS đã lan tỏa khắp các huyện, thị xã, thành phố nhưng nhiều người nhiễm HIV ở địa phương này lại sang địa phương khác để xét nghiệm, điều trị bởi họ sợ bị lộ danh tính. Thậm chí nhiều người nghi ngờ bị nhiễm HIV nhưng không dám đi xét nghiệm. Một người có khi đi xét nghiệm HIV ở nhiều nơi với những tên họ khác nhau. Có những người nhiễm HIV không tìm được việc làm nên không có thu nhập lại càng khó tiếp cận được các dịch vụ y tế. Nhất là khi tới đây Dự án Quỹ toàn cầu dừng hỗ trợ thuốc ARV, người không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ phải chịu chi phí khám chữa bệnh rất lớn và không có thuốc ARV để điều trị (vì loại thuốc này không bán ở ngoài thị trường)...

Những rào cản ấy nếu được xóa bỏ thì việc đạt được mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác) vào năm 2020 cũng không quá khó khăn.

Một điều đáng mừng, theo đánh giá của TS John Blandford là Việt Nam đang phát hiện được tỷ lệ có tải lượng HIV dưới ngưỡng thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Trong những năm qua, Hải Dương cũng luôn được đánh giá là một trong những tỉnh có thành tích cao trong phòng chống và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Chất lượng điều trị thuốc kháng virus ARV tiếp tục được mở rộng và cải thiện để tối đa hóa lợi ích về điều trị, dự phòng giảm lây truyền HIV và giảm tử vong do AIDS. Tin rằng những thông tin này khi đến được với những người nghi ngờ nhiễm HIV, những người đã nhiễm HIV sẽ giúp họ có lòng tin để chủ động tiếp cận với việc xét nghiệm, điều trị bệnh. Và với cộng đồng, nếu tiếp tục được truyền thông tốt, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS sẽ không còn là rào cản lớn như hiện nay.

NGÂN HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Không phát hiện = Không lây truyền HIV"