Không ngừng phát triển tổ chức đảng và đảng viên

04/06/2015 06:15

Từ chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở Đọ Xá, Hoàng Tân (Chí Linh) năm 1930 với 3 đảng viên, đến nay, toàn tỉnh đã có 786 tổ chức cơ sở đảng, gần 100.000 đảng viên.




Công tác phát triển đảng viên luôn được các đảng bộ cơ sở quan tâm.  Trong ảnh: Đảng ủy
xã Quang Minh (Gia Lộc) họp bàn công tác xây dựng Đảng trước thềm đại hội

Trong 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức và đội ngũ.


75 năm về trước, khi Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương được thành lập, toàn Đảng bộ mới có 14 đảng viên. Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương ngày 10-6-1940 xác định: phải “tích cực phát triển cơ sở đảng, cơ sở quần chúng ở nông thôn vào nhà máy, xí nghiệp, đồn điền, lập các hội phản đế; những cơ sở đã phát triển mạnh thì lựa chọn những quần chúng ưu tú để kết nạp Đảng và thành lập các chi bộ ở đó”. Hồi đó, phong trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi, các cơ sở cách mạng được củng cố và phát triển, các tổ chức của đảng bộ - cũng là hạt nhân lãnh đạo của phong trào được xây dựng ở nhiều nơi trong tỉnh. Ngay sau khi Tỉnh ủy được thành lập, ngày 20-7-1940, Phủ ủy Nam Sách cũng được thành lập. Cuối tháng 7 -1940, Chi bộ Nhà máy Nước thị xã Hải Dương ra đời. Tháng 8-1940, chi bộ ghép Đồn Bối - Thượng Đáp (Nam Sách) được thành lập với 15 đảng viên. Các chi bộ đều duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt định kỳ, tổ chức đọc báo Đảng, nói chuyện thời sự, kiểm điểm phong trào và bàn công tác vận động quần chúng, phát triển cơ sở cách mạng.

Để lãnh đạo nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật, khởi nghĩa giành chính quyền, trong suốt các năm từ 1940-1945, dù phải hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, có lúc phải rút vào bí mật, có nhiều cán bộ bị địch bắt, tù đầy, song Đảng bộ tỉnh vẫn không ngừng củng cố, phát triển lực lượng, kết nạp đảng viên mới, thành lập các chi bộ Đảng ở cơ sở. Đến tháng 12-1945, toàn Đảng bộ đã có 100 đảng viên. Tháng 6-1945, thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, Đảng bộ tỉnh mới có 250 đảng viên thì 6 tháng sau đó, con số này đã là 644 đảng viên sinh hoạt ở 88 chi bộ. Cũng trong năm 1946, đảng bộ của 12 huyện, thị xã trong tỉnh đều được thành lập. Trong đó, Tứ Kỳ và Gia Lộc đã tiến hành được đại hội lần thứ nhất.

Trong các năm 1947-1949, số đảng viên mới được kết nạp tăng lên nhanh chóng. Cuối năm 1947, toàn Đảng bộ có 2.500 đảng viên sinh hoạt ở 271 chi bộ. Năm 1948, đã tăng thêm 13.730 đảng viên; năm 1949, tiếp tục tăng thêm hơn 13.000 đảng viên, đưa tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 30.359 người. Đáng chú ý, đảng viên xuất thân là công nhân đã tăng đáng kể từ 2,88% năm 1948 lên 4,88% năm 1949. Đảng bộ thường xuyên mở các lớp cảm tình Đảng ở huyện và tỉnh; xây dựng kế hoạch phát triển Đảng rất cụ thể, đề ra chỉ tiêu, mức phát triển đảng viên cho các huyện, các ngành; đồng thời, cử cán bộ, phái viên xuống các đơn vị để đôn đốc việc phát triển đảng viên, đề ra giải thưởng cho các chi bộ phát triển đảng viên vượt định mức được giao. Công tác phát triển Đảng được triển khai ở tất cả các địa phương, đặc biệt các địa bàn xung yếu như ven đường giao thông quan trọng, gần vị trí địch, vùng công giáo... Với phương châm mở rộng thành phần giai cấp trong Đảng, các tổ chức đảng trong tỉnh đã chú ý lựa chọn quần chúng ưu tú trong các tổ chức cứu quốc, lực lượng vũ trang, các nhà máy, đường phố, công sở của tỉnh để kết nạp vào Đảng.

Những năm sau đó, công tác phát triển đảng viên của tỉnh bị chững lại. Trong 2 năm 1950-1951, số đảng viên giảm xuống chỉ còn bằng 1/3 số đảng viên của năm 1949, toàn Đảng bộ không kết nạp thêm đảng viên mới nào. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ sai lầm về phát triển đảng viên của những năm trước và do hiểu sai về chỉ thị “tạm dừng phát triển Đảng” của Trung ương. Để sửa sai, sau đó, Đảng bộ tỉnh đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập I, thời kỳ giảm tô và thực hiện cải cách ruộng đất (1954-1956), Đảng bộ tỉnh chỉ còn 2.930 đảng viên cũ và kết nạp 2.274 đảng viên mới. Sau cải cách ruộng đất, Đảng bộ có 248 chi bộ với 5.204 đảng viên. Đảng viên mới kết nạp chủ yếu là thành phần bần cố nông.

Trong những năm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc sau này, công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ tỉnh không đồng đều. Có thời điểm, trung bình mỗi năm đảng bộ kết nạp thêm hơn 1.000 đảng viên như những năm 1958-1960, 1960-1965; có lúc kết nạp tới hơn 3.500 đảng viên/năm, năm 1968 kết nạp 5.889 đảng viên; 1969 kết nạp 3.500 đảng viên... song cũng có thời kỳ chỉ kết nạp được hơn 350 đảng viên/năm như những năm 1973-1974. Tuy nhiên, Đảng bộ tỉnh luôn xác định phải không ngừng củng cố, xây dựng Đảng, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, lực lượng cốt cán vững mạnh, bởi đây chính là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng.  Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V ( tổ chức năm 1963) xác định: phải coi trọng công tác xây dựng Đảng cả về mặt tổ chức và tư tưởng. Về phát triển đảng viên phải bảo đảm tỷ lệ đảng viên chiếm 2% số dân; hầu hết các xã đều có đảng bộ cơ sở; mỗi HTX có 1 chi bộ, mỗi đội sản xuất, đơn vị, xí nghiệp, trường học có 1 tổ đảng...

Sau giải phóng miền Nam,  công tác phát triển đảng viên được tăng cường. Từ tháng 5-1975 đến cuối năm 1980, toàn tỉnh kết nạp được 3.619 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh lên 93.064 đồng chí. 5 năm tiếp theo, Đảng bộ tỉnh kết nạp được 11.466 đảng viên. Từ năm 1986-1990, kết nạp được 7.000 đảng viên và từ năm 2001 đến nay, trung bình mỗi năm kết nạp từ 2.000 -2.500 đảng viên.

Trong 5 năm trở lại đây, do thanh niên ở nông thôn đi làm ăn xa, công tác phát triển đảng viên ở nhiều nơi gặp khó khăn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ra Chỉ thị số 13 về “Đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên trong giai đoạn mới”, trong đó quan tâm phát triển đảng viên là công nhân, ở nông thôn, phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên. Đảng bộ tỉnh cũng thực hiện thí điểm chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng ở 4 đơn vị, đồng thời tăng cường việc phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân...

Trong suốt 75 năm qua, công tác phát triển đảng viên lúc thăng, lúc trầm, song việc phát triển về số lượng luôn đi cùng việc bảo đảm chất lượng đảng viên. Trong từng giai đoạn lịch sử, Đảng bộ tỉnh luôn đề ra những giải pháp cụ thể để phát triển tổ chức đảng và đảng viên. Các loại hình tổ chức cơ sở đảng ngày càng đa dạng, từ các tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn, thành thị đến tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang, trong các cơ quan, trường học, doanh nghiệp... Những việc làm đó đã góp phần củng cố đội ngũ, giúp Đảng bộ tỉnh lớn mạnh về tổ chức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

NGUYÊN ANH

(0) Bình luận
Không ngừng phát triển tổ chức đảng và đảng viên