Không nên biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa

14/06/2020 11:11

Xung quanh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xin không biên soạn bộ sách giáo khoa, nhiều đại biểu Quốc hội cùng đề xuất bộ không nên lãng phí ngân sách để biên soạn thêm một bộ sách.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Đại biểu Quốc hội Bến Tre) cho biết, có 2 lĩnh vực ông rất ủng hộ xã hội hóa, đó là giáo dục, đào tạo và y tế.

“Tất nhiên xã hội hóa nhưng luôn luôn phải có cơ chế kiểm soát. Khi tôi nêu ra vấn đề biên soạn sách giáo khoa (SGK) chính là tôi đang thực hiện giám sát nghị quyết của Quốc hội”, đại biểu Nhưỡng bày tỏ quan điểm.

bien soan SGK anh 1

SGK phục vụ năm học mới 2020 – 2021

Tiết kiệm ngân sách Nhà nước

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, chủ trương xã hội hóa đã thành công với 5 bộ SGK lớp 1 được thẩm định và phê duyệt ban hành.

“Gần như toàn bộ trí tuệ của ngành giáo dục đã tập trung công tác xã hội hóa này. Những nhà khoa học đầu ngành, người lão luyện nhất là những người đứng ra biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa. Vì vậy, nếu bộ tiếp tục làm có nghĩa là chúng ta sẽ phải bỏ ra 16 triệu USD, tương đương khoảng 400 tỷ đồng để ''đuổi theo'' 5 bộ sách kia. Chưa nói, toàn bộ tinh hoa đã tập trung làm sách xã hội hóa rồi thì ai sẽ làm sách của bộ? Và liệu chất lượng có bảo đảm?”, đại biểu Nhưỡng quan ngại.

Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trị) cho rằng chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK bước đầu thành công. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách sẽ đưa tới kết quả tất yếu là chất lượng các bộ sách tăng lên, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Bà Minh cho biết thêm khi xây dựng, ban hành Nghị quyết 88, Quốc hội lo lắng việc không có tổ chức, cá nhân nào đứng ra biên soạn bộ SGK hoặc không biên soạn được bộ sách chất lượng, nên mới giao trách nhiệm cho Bộ  Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Nhưng đến thời điểm này, 5 bộ SGK lớp 1 được đánh giá là có chất lượng. Vì thế đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng Bộ GDĐT không cần thiết phải biên soạn một bộ SGK.

Cần “triệt để” xã hội hóa

Đại biểu Hồ Thị Minh đề nghị cần thực hiện một cách triệt để chủ trương xã hội trong tổ chức, biên soạn SGK.

“Tôi không ủng hộ việc giao Bộ GDĐT biên soạn một bộ SGK vì như vậy sẽ mâu thuẫn với chủ trương xã hội hóa. Không thể khẳng định sẽ không có sự ưu ái đối với bộ sách do Bộ GD&ĐT biên soạn”, bà Minh nói.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Đại biểu Quốc hội Cà Mau), nếu đã có bộ SGK được thực hiện theo chủ chương xã hội hóa và đáp ứng được yêu cầu, nội dung phù hợp chương trình giáo dục, cũng nên cân nhắc xem Bộ GDĐT có nhất thiết phải biên soạn thêm một bộ SGK nữa hay không?

Nếu bộ biên soạn có thể sẽ trùng lặp về nội dung, hình thức. Hơn nữa, thị trường SGK sẽ mất cân đối vì có thể xảy ra tình trạng, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục có tâm lý lựa chọn sách của Bộ GDĐT cho yên tâm.

“Xã hội hóa biên soạn SGK là cần thiết vì sẽ chống được độc quyền. Khi đó sẽ có sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Bộ sách nào phù hợp phương pháp giảng dạy, phù hợp đối tượng học sinh sẽ xây dựng được hình ảnh và uy tín. Suy cho cùng, người được thụ hưởng những thành quả từ chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK chính là học sinh”, ông Vân cho hay.

Cùng quan điểm này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, Bộ GDĐT dừng việc biên soạn sách là đúng, để các bộ sách trên một mặt bằng, không thể đẩy một bộ sách nào lên cao hơn, bộ sách nào ở thấp hơn, gây xáo trộn tâm lý xã hội không cần thiết.

Theo ông Nhưỡng, đây vừa là giải pháp chống độc quyền lại vừa tiết kiệm được cho ngân sách, giúp nhà nước giảm được số nợ ODA.

Ông Nhưỡng cho biết trước đó, ông đã có văn bản đề nghị Thủ tướng dừng việc giao Bộ GDĐT biên soạn một bộ SGK và báo cáo lại Quốc hội về vấn đề này.

“Khi Quốc hội thấy cần thiết cũng phải dừng, bởi vì không thể để lãng phí. Nghị quyết 88 của Quốc hội đã thúc đẩy xã hội hóa, đó chính là ưu điểm của Nghị quyết”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.

Khẳng định xã hội hóa biên soạn SGK là hướng đi hợp lý và nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức thực hiện theo phương thức này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai) nhấn mạnh Nhà nước nên có cơ chế để động viên, khích lệ các tác giả, các nhà xuất bản, để những bộ SGK được biên soạn theo hình thức xã hội hóa ngày càng chất lượng, giá thành rẻ, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri và học sinh trên cả nước.

Theo Zing

(0) Bình luận
Không nên biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa