Không muốn đi vào "vết xe đổ" như quan hệ với Nga, NATO tính kế mới đối phó Trung Quốc

16/06/2021 17:25

Tài liệu chiến lược năm 2010 của NATO không có một từ nào nhắc đến Trung Quốc nhưng trong Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua, liên minh quân sự này đã xác định Bắc Kinh là mối đe dọa và là một thách thức mang tính hệ thống.

Tính kế đối phó với Trung Quốc

Nội dung chiến lược mới của NATO sẽ đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc dựa trên việc rút kinh nghiệm từ những sai lầm khi chống lại ảnh hưởng của Nga, các nhà phân tích an ninh nhận định với Washington Examiner, đồng thời cho biết Trung Quốc đang theo dõi các biện pháp của Nga nhằm chia rẽ và làm suy yếu an ninh này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Washington Examiner
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định với báo giới hôm 15/6 rằng, một tài liệu chiến lược của lên minh này năm 2010, vốn đánh giá Nga là "đối tác chiến lược", cần phải hủy bỏ giữa bối cảnh Moscow tiếp tục tiến hành các chiến dịch "chiến tranh lai" (hybrid warfare - được mệnh danh là chiến tranh thế hệ 5 - là một chiến lược quân sự sử dụng chiến tranh chính trị đồng thời với chiến tranh thông thường, chiến tranh bất thường và chiến tranh mạng - ND) ở sườn Đông. Tương tự như vậy, khung làm việc mới của NATO cũng phải đưa ra lập trường của 30 nước NATO đối với mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc hiện nay.

"Chúng ta cần hợp tác với Trung Quốc nhưng chúng ta cũng cần tính tới các thách thức mà Nga và Trung Quốc gây ra cho liên minh của chúng ta", ông Stoltenberg nhận định với báo giới sau khi cuộc họp cấp bộ trưởng của NATO khép lại ngày 14.6.

Các nhà phân tích đánh giá, cảnh báo trên có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là khi xem xét về việc NATO không thể phản ứng hiệu quả trước ảnh hưởng của Nga trong các cuộc xung đột ở Georgia, Moldova, Ukraine và Armenia. Theo Washington Examiner, quân đội và tình báo Nga đã đặt các thiết bị cách các bờ biển của NATO khoảng hơn 300 km. Các chuyên gia an ninh cho rằng, Trung Quốc đang theo dõi liệu liên minh NATO có áp dụng một lập trường cứng rắn với Nga hay không và nếu có thì bằng cách nào. Cùng lúc đó, Bắc Kinh cũng sử dụng quyền lực kinh tế để định vị sức mạnh quân sự hiệu quả hơn ở châu Âu.

"Trung Quốc đang học hỏi từ những hành vi của Nga. Không chỉ là về cách thức mà còn về việc vượt qua những lằn ranh như thế nào và hành xử dưới ngưỡng xung đột ra sao", cựu quan chức ngoại giao Ukraine Alexander Khara đánh giá.

Ông Stoltenberg cũng dẫn ra việc Trung Quốc tăng cường theo đuổi các công nghệ quân sự hiện đại, trong đó có cả vũ khí hạt nhân. Tại một cuộc họp báo hậu Thượng đỉnh NATO, ông cũng nói về việc Trung Quốc kiểm soát các cơ sở hạ tầng ở châu Âu, cũng như ảnh hưởng gia tăng của nước này ở Bắc Cực và châu Phi.

"Trung Quốc không hề được đề cập một lần nào trong nội dung chiến lược năm 2010. Tuy nhiên, một trong những thông điệp chính của chúng tôi trong Hội nghị Thượng đỉnh lần này là tất cả các đồng minh hiện đều thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc là vấn đề với an ninh của chúng tôi", Tổng thư ký NATO nhận định.

Dù vậy, một số thành viên NATO vẫn áp dụng phương pháp chờ đợi và quan sát với Trung Quốc.

"Quan điểm về Trung Quốc khá cân bằng. Một mặt chúng tôi đề cập đến những tham vọng và hành vi quyết đoán của Trung Quốc, vốn đại diện cho những thách thức mang tính hệ thống nhưng mặt khác, chũng tôi cũng nhấn mạnh đến việc NATO duy trì các cuộc trao đổi mang tính xây dựng", Ngoại trưởng Romania Bogdan Aurescu bình luận.

Cựu quan chức ngoại giao Ukraine Khara thì cho rằng: "Những gì chúng ta chứng kiến ở Biển Đông cũng tương tự như những gì chúng ta từng thấy ở Biển Azov và Biển Đen", ám chỉ các hành động của Nga với một số nước NATO.

Phép thử với NATO

Cựu quan chức Ukraine cáo buộc Nga sử dụng các biện pháp của chiến tranh lai như chiến dịch tuyên truyền và làm sai lệch thông tin để khoét sâu chia rẽ giữa các nước thành viên NATO và làm suy yếu liên minh này, đồng thời tạo nên những đứt gãy trong NATO nhằm phục vụ cho các mục tiêu chính trị và an ninh của Nga.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang kiểm soát một số cảng biển và đầu tư vào những cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu.

Thành viên trong Hội đồng An ninh Quốc gia Romania George Scutaru cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với Washington Examiner rằng, Trung Quốc đang sử dụng ngoại giao vaccine để gia tăng ảnh hưởng thông qua việc xây dựng một nhà máy ở Serbia có thể phân phối vaccine Covid-19 trong khu vực vào mùa thu này. Ngoài ra, một công ty Trung Quốc cũng đang kiểm soát cảng biển lớn nhất ở Hy Lạp - một thành viên NATO.

Nhà phân tích an ninh này nhận định các lợi ích của Nga thiên về quốc phòng và địa chính trị trong khi các động thái của Trung Quốc thiên về kinh tế nhưng vẫn chứa yếu tố quân sự.

"Ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc và các chính sách quốc tế đã cho thấy những thách thức với an ninh của liên minh", ông Stoltenberg cho hay.

"Các nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng chúng ta cần đối phó với những thách thức này cùng nhau với tư cách là một liên minh và chúng ta cũng cần tham gia cùng Trung Quốc để bảo vệ các lợi ích an ninh của mình".

Cân bằng giữa các lợi ích kinh tế và an ninh sẽ là một phép thử với NATO, các nhà phân tích an ninh cho hay.

"Sự thịnh vượng và an ninh luôn song hành cùng nhau. Không thể bảo vệ hòa bình châu Âu nếu Nga tiếp tục hành xử như vậy và nước này sẽ chưa dừng lại. Tuy nhiên, đối với Mỹ, ưu tiên quan trọng nhất cần đối phó là Trung Quốc bởi Bắc Kinh đang học hỏi từ các biện pháp và chiến lược của Moscow", cựu quan chức ngoại giao Ukraine Khara nhận định.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không muốn đi vào "vết xe đổ" như quan hệ với Nga, NATO tính kế mới đối phó Trung Quốc