Tính đến 18 giờ ngày 7.2, dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 7 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh với 309 ca mắc.
Ngay từ khi dịch tái bùng phát, Hải Dương đã triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt, thần tốc trong việc khoanh vùng, truy vết, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm để nhanh chóng dập dịch. Công tác phòng chống dịch đã nhận được sự ủng hộ tích cực, tự nguyện của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh bởi ai cũng hiểu lúc này chống dịch là nhiệm vụ quan trọng nhất vì “sức khỏe con người là trên hết”.
Những biện pháp quyết liệt để chống dịch như đã triển khai thời gian qua chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, dịch bùng phát trong những ngày cận Tết làm cho việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, nhất là hàng nông sản bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều vườn đào, quất, hoa ở Chí Linh, Gia Lộc và TP Hải Dương… thưa vắng người hỏi mua. Thậm chí, nhiều thương lái đã hủy hợp đồng, chấp nhận mất tiền đặt cọc. Những ruộng su hào, cải bắp, su lơ, hành tỏi… đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn nằm im trên ruộng làm nông dân đứng ngồi không yên. Xác định chống dịch là nhiệm vụ quan trọng nhưng phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống cho người dân cũng quan trọng không kém nên lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan đã có hàng loạt biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tiếp giáp các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc Ninh và TP Hải Phòng thường xuyên trao đổi thông tin, tìm cách tháo gỡ để phương tiện chở nông sản của Hải Dương được phép qua lại thuận tiện.
Trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố chiều 6.2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan triển khai ngay việc bỏ phù hiệu thông hành đã cấp như trước thay bằng phương án để tất cả những người trên xe có hàng hóa khi ra vào các chốt kiểm soát bắt buộc có bản cam kết phòng chống dịch. Nếu để ách tắc giao thông ở đâu địa phương và chốt kiểm soát đó chịu trách nhiệm. Sở Giao thông vận tải chủ trì cùng với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương phối hợp với các tỉnh bạn để có phương án cho xe vận chuyển hàng hóa của Hải Dương ra ngoài tỉnh được thuận lợi. Đối với sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án cụ thể để có thể giải cứu một số mặt hàng mà các địa phương đang bị tắc nghẽn, xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc lưu thông, sản xuất hàng hóa… Tại các địa phương bị phong tỏa, phương tiện chở nguyên liệu sản xuất, công nhân cho các nhà máy cũng được tạo điều kiện tối đa với mục đích không để sản xuất bị đình trệ. Cách đây chưa lâu, lãnh đạo TP Hải Dương đã có thư kêu gọi người dân hỗ trợ tiêu thụ đào Tết cho nông dân thành phố... Chính sự quan tâm, hỗ trợ, động viên kịp thời của chính quyền và các cơ quan chuyên môn như tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực để người dân và doanh nghiệp quyết tâm vượt qua khó khăn, đồng hành cùng chính quyền chống dịch.
Tinh thần của Chính phủ và Bộ Y tế là phong tỏa, khoanh vùng trong phạm vi hẹp nhất có thể. Các địa phương không được ngăn sông cấm chợ, không được làm quá yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, bảo đảm hàng hóa được lưu thông trong dịp Tết. Chống dịch quyết liệt là cần thiết nhưng chống dịch bằng những biện pháp phù hợp, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân cũng cần thiết không kém. Tinh thần ấy cần tiếp tục được phát huy.
VỊ THỦY