Câu tục ngữ "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" vẫn còn nguyên giá trị và cần được sử dụng để khuyên răn, định hướng cho mối quan hệ gia đình, vợ chồng...
Trong mục Cùng bàn luận trên báo Hải Dương cuối tuần ngày 15.11 có bài "Quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" không còn phù hợp"của tác giả Minh Anh. Khi đọc bài này tôi thấy nhiều ý phân tích đúng, nhưng vẫn có băn khoăn về cụm từ "không còn phù hợp".
Cũng bàn về vấn đề trên, báo Giáo dục Việt Nam ngày 28.2 có bài "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, cổ nhân dạy có sai bao giờ!" của tác giả Xuân Dương.
Vậy là hai luồng ý kiến có vẻ trái ngược nhau, với tư cách là người ở giữa tôi xin cùng bàn luận theo quan điểm riêng của mình.
Thứ nhất, câu tục ngữ "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" được đánh giá, đúc kết từ kinh nghiệm sống, từ thực tiễn của nhân dân qua bao đời và nó đã trở thành một chân lý quen thuộc, nhằm giáo dục, khuyên răn, hướng dẫn con người ứng xử trong cuộc sống.
Theo nghĩa đen, đàn ông, đàn bà, nhà, tổ ấm nói đến phạm trù gia đình, có vợ, có chồng cùng chung tay xây dựng, vun đắp cho một gia đình hạnh phúc. Về nghĩa bóng, từ "nhà" muốn nói đến các công việc lớn, kể cả công danh, sự nghiệp; từ "tổ" cũng có nghĩa là nhà, nhưng từ "tổ ấm" lại bao hàm một ý nghĩa sâu xa hơn.
Cụm từ "tổ ấm" nhắc đến một gia đình ấm áp, vui vẻ, có sự tôn trọng, sẻ chia. Đây cũng chính là một nội hàm của hạnh phúc.
Ở đây cần hiểu là sự chung tay, người lo việc này, người làm việc kia để góp sức vun trồng hạnh phúc trong một mái nhà. Trong gia đình phải có người chủ trì, dẫn dắt, chịu trách nhiệm chính, nhưng đều thực hiện trong một quy chuẩn dân chủ, bình đẳng.
Nếu không có sự phân công thì ngay trong một gia đình có vài ba thành viên thôi cũng sẽ loạn cả lên, ai cũng muốn là chủ cả, không quản lý nổi.
Nếu hiểu câu tục ngữ trên chỉ là sự phân công cứng nhắc giữa vợ và chồng, người chồng chỉ có trách nhiệm kiếm tiền xây lên ngôi nhà là xong, còn mọi việc sau đó thuộc trách nhiệm của người vợ hay người chồng làm "việc lớn", lo công danh, sự nghiệp, còn người vợ phải lo việc nhà, chăm sóc con cái... là chưa đầy đủ.
Thứ hai, cần vận dụng ý nghĩa của câu tục ngữ vào những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Đã là tục ngữ, là sự đúc kết thì nó có thể đúng với quá khứ nhưng chưa chắc đã đúng cho hiện tại và tương lai đang có nhiều thay đổi như hiện nay.
Tôi nhất trí với tác giả các bài viết trước, đó là sự thay đổi của xã hội dẫn đến thay đổi mô hình gia đình, cũng như các mối quan hệ giữa các thành viên.
Chúng ta đang nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ sự phân biệt nam-nữ thì lại càng không được vận dụng một cách máy móc câu tục ngữ trên. Chính vì thế, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ từng gia đình mà điều chỉnh mối quan hệ cho phù hợp trên tinh thần tôn trọng, hợp tác.
Thứ ba, trong quan hệ vợ chồng thì vấn đề cốt yếu vẫn là sự tôn trọng, chia sẻ, nhường nhịn, bình đẳng. Bình đẳng là sự ngang bằng nhau về trách nhiệm và quyền lợi nhưng ngang bằng không có nghĩa là cào bằng, chia đều.
Tôi đã chứng kiến một số cặp vợ chồng trẻ coi bình đẳng là sự chia đều, hết giờ làm việc công sở, anh đi chơi thể thao được thì tôi cũng đi làm đẹp, chuyện chăm sóc con cái, việc nhà thuê "Ô sin". Do tổ ấm không được chăm lo nên con cái hư hỏng, học hành kém, bữa cơm gia đình nhạt dần đi và sự đổ vỡ đã được báo trước.
Như vậy, nếu hiểu đúng và vận dụng phù hợp từng lúc, từng hoàn cảnh thì câu tục ngữ "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" vẫn còn nguyên giá trị và cần được sử dụng để khuyên răn, định hướng cho mối quan hệ gia đình, vợ chồng trong hiện tại, tương lai.
LƯƠNG ANH TẾ