Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần quy định chặt chẽ, tránh tạo ra kẽ hở dẫn đến tình trạng nước ta trở thành ''bãi rác'' về công nghệ.
Tại phiên họp thứ 8, sáng 16.3, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Bên cạnh đó là dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội.
Tránh tình trạng Việt Nam trở thành ''bãi rác'' về công nghệ
Cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng ý với hướng tiếp thu, giải trình của cơ quan thẩm tra - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; yêu cầu cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát để thống nhất hệ thống pháp luật, tránh xung đột với các Luật ngân sách, thuế, đầu tư, khoa học công nghệ, đồng thời bảo đảm tính khả thi, cụ thể, tránh quy định chung chung. Về sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành, cơ quan soạn thảo - Bộ Khoa học và Công nghệ cần rà soát lại dự án Luật, bảo đảm thống nhất với Luật khoa học và công nghệ, tránh dùng những thuật ngữ mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Về những vấn đề cụ thể, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát lại quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, tránh mở rộng quá nhiều đối tượng bao phủ của quỹ này, đồng thời xác định rõ nguồn hình thành quỹ, nguyên tắc bảo toàn, phát triển quỹ. Các ý kiến thảo luận cũng cho rằng, cần rà soát lại quy định về đăng kí chuyển giao công nghệ và thẩm định công nghệ. Theo đó, các hoạt động này thực hiện theo nguyên tắc: các công nghệ mới được chuyển giao từ nước ngoài đều phải được thẩm định nhưng tránh tạo ra những thủ tục hành chính không cần thiết gây khó khăn cho doanh nghiệp. Liên quan đến quy định hạn chế và cấm chuyển giao công nghệ, các đại biểu cho rằng, cần quy định chặt chẽ, tránh tạo ra kẽ hở dẫn đến tình trạng nước ta trở thành ''bãi rác'' về công nghệ.
Đối với quy định về ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành không đưa nội dung này vào dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) để không làm ảnh hưởng tới quy định thống nhất trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chuyển sang quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ, tạo lập môi trường cho hoạt động chuyển giao công nghệ, dự án Luật quy định Nhà nước khuyến khích, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học, công nghệ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển tổ chức trung gian, nâng cao năng lực nguồn cung - nguồn cầu công nghệ. Các đại biểu cho rằng, nội dung này cần thống nhất quan điểm đây là tải sản Nhà nước vì vậy cần được bảo tồn, phát triển và có trách nhiệm quản lý. Các quy định về nội dung này của Luật phải cụ thể, rõ ràng, phù hợp với Luật quản lý tài sản Nhà nước sắp được ban hành.
Trên cơ sở các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục phối hợp với với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội rà soát, bổ sung đầy đủ, cụ thể để sớm chuyển cho các đoàn đại biểu Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến.
Tạo cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát và phản biện xã hội
Tờ trình của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 9.6.2015 , có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. Luật ra đời có ý nghĩa chính trị to lớn, là cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện có hiệu quả trách nhiệm, quyền của mình, trong đó có nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.
Thời gian vừa qua, thực hiện Hiến pháp năm 2013 và đặc biệt là thực hiện quy định của Đảng theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (kèm theo các quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nhưng bên cạnh đó, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Dự thảo Nghị quyết liên tịch gồm 5 chương, 24 điều.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Làm rõ thêm mục đích của việc ban hành Nghị quyết liên tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Nghị quyết nhằm cụ thể hóa Điều 27 và 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội, trong đó, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò giám sát, Chính phủ kiểm tra. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 5 tổ chức thành viên với hàng triệu hội viên tham gia. Có thể gọi đó là giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận và 5 tổ chức thành viên, có tính chất đa dạng, kịp thời, phủ rộng.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, giám sát của Mặt trận không có chế tài xử lý, vì vậy việc ban hành Nghị quyết sẽ kết nối giám sát của Mặt trận với quyền lực của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc xử lý sau giám sát cần được làm rõ hơn trong nội dung Nghị quyết. Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện công tác giám sát.
Tháng 12.2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sau khi Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ họp, hoàn thiện Tờ trình để gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết liên tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng Tờ trình. Thời gian tới, Chính phủ sẽ họp để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, sau đó tập hợp thành văn bản chính thức để sớm gửi tới Thường vụ Quốc hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan thẩm định sớm thực hiện việc lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện Tờ trình; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sớm hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra chính thức để Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa xem xét, thông qua Nghị quyết tại Phiên họp thứ 9.