Thảo luận tại tổ ngày 21-10, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, phải làm mọi cách để nền kinh tế không bị lệ thuộc.
Sáng 21-10, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2014 và nhiệm vụ 2015, kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
Làm rõ quan hệ giữa tăng trưởng và khó khăn của doanh nghiệp
Tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ nhưng đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đưa ra phân tích: Báo cáo nêu tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mấy năm nay rất lớn, nhưng tăng trưởng vẫn tăng cao hơn các năm trước và chỉ tiêu tạo việc làm mới hằng năm đạt xấp xỉ 1,6 triệu lao động là chưa thuyết phục.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) lo ngại nền kinh tế đất nước không khéo sẽ bị lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Đại biểu Niễn cho rằng, độ mở của nền kinh tế nước ta đang ở mức lớn nhất trong khu vực ASEAN với mức 154%. Điều này sẽ đe dọa đến sự bền vững của nền kinh tế trong nước và dễ dẫn đến sự lệ thuộc nhiều vào bên ngoài khi nền kinh tế và những bất ổn chính trị khó lường đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động nhiều, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn phải giải thể, kéo theo nhiều vấn đề cần giải quyết như việc làm cho người lao động, vấn đề trật tự xã hội...
Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Dương) cho rằng, Nhà nước không nên thông qua doanh nghiệp của mình để can thiệp vào thị trường. Cần xác định lại vai trò của Nhà nước và chỉ nên thông qua các doanh nghiệp công ích. Nên cổ phần hóa tối đa, thu nguồn lực kiến tạo, phát triển; kích hoạt khu vực kinh tế tư nhân… Đại biểu Vân cũng cho rằng, sản xuất nông nghiệp trong nước có sản lượng cao nhưng không đủ chất lượng cạnh tranh. Trong khi đó phải chi khoảng 13 tỷ đô-la/năm cho nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu, dẫn đến giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp thấp. Đề nghị Nhà nước cần có vai trò định hướng trong sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu đầu tư cho nông nghiệp tương xứng, đúng hướng, tạo cánh cửa cho nông dân vươn lên.
Đào tạo được tiến sĩ sao không làm được ốc vít?
Đại biểu Trần Văn Tuý (Bắc Ninh) đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại sự đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế nước ta. Ví dụ như ở Bắc Ninh, chỉ tính riêng 2 tập đoàn sản xuất Samsung và Canon đã đóng góp trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện Microsoft cũng đã đến làm việc ở Bắc Ninh để xúc tiến việc chuyển một số cơ sở ở các nước khác đến Bắc Ninh. Vấn đề là 2 cơ sở của Samsung và Canon xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng rất lớn chủ yếu từ Trung Quốc. Trong khi đó, công nghiệp phụ trợ của ta chưa đáp ứng được yêu cầu và rất khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Cần đánh giá lại khu vực FDI và công nghiệp hỗ trợ đối với sự phát triển bền vững nền kinh tế của đất nước”.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) băn khoăn về sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ đến mức không đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị để cung cấp ốc vít cho doanh nghiệp nước ngoài. “Ta đào tạo được tiến sĩ sao không làm được con ốc vít?”, đại biểu Tuấn đặt câu hỏi. Đại biểu Trần Quốc Tuấn và đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chung đề xuất QH cần có luật về công nghiệp hỗ trợ để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quan trọng này.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nêu thực tế năng suất lao động của Việt Nam hiện không cao. Câu chuyện về năng suất cần được giải quyết, trong đó năng suất lao động liên quan mật thiết tới bài toán về chất lượng nguồn nhân lực. Đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục và đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thực tế; tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới chương trình sách giáo khoa theo Nghị quyết của QH; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội; ưu tiên nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.
Thu không đủ bù chi thì lấy đâu ra để trả nợ?
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) nhận xét, số liệu về nợ công trong nhiều báo cáo, của nhiều cơ quan rất khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu tính nợ công có cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước sẽ cao hơn nhiều so với báo cáo đã nêu. Thế giới đã có nhiều bài học về sự đổ vỡ do quá tải nợ công. Vì vậy, nợ công đang trở thành vấn đề được dư luận, báo chí và nhân dân quan tâm. Về quyền hạn của QH, đại biểu Thăng cho rằng, QH chưa thực hiện đầy đủ 5 nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, xử lý nợ công. Đại biểu Thăng đề nghị QH cần giám sát, có báo cáo minh bạch, chi tiết về nợ công, xử lý nợ công hằng năm.
Các đại biểu thảo luận tại tổ
PV-TTXVN-TT
Ngày 22-10, QH làm việc tại hội trường nghe: Tờ trình và báo cáo thẩm tra Tờ trình về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Tờ trình và báo cáo thẩm tra Tờ trình về dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi); Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi). |