Sáng 8-12, HĐND tỉnh thảo luận tại hội trường, làm rõ một số vấn đề trong buổi thảo luận tổ chiều 7-12.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu
thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Chung
Đầu tư hơn nữa cho nông nghiệpTheo đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc), Hải Dương là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nhưng giá trị mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tình trạng mất mùa được giá, được mùa mất giá vẫn xảy ra với lĩnh vực nông sản. Để khắc phục việc này, tỉnh đã triển khai Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020". Thực hiện đề án này, Gia Lộc đã quy hoạch được 41 vùng chuyên canh rau quả an toàn với tổng diện tích 742 ha, trong đó có 27 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Nhân dân trong huyện mong muốn tỉnh tiếp tục cần có sự quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi, điểm tập kết, sơ chế; chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, quản bán , tiêu thụ sản phẩm... nhằm thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và dự kiến phân bổ vốn năm 2017 lại chưa bố trí cho việc triển khai thực hiện đề án.
Đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc)
Đồng quan điểm với đại biểu Toản, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Tiến Tầng lo ngại tình trạng bỏ ruộng vẫn diễn ra, ngày một nhiều hơn. Toàn huyện Ninh Giang có khoảng 20ha đất bỏ hoang. Đối với diện tích đất công điền, huyện huy động các tổ chức, đoàn thể canh tác nhưng số ruộng bị bỏ hoang do người dân canh tác không có lãi. Huyện đề xuất 2 giải pháp: Quan tâm quy vùng sản xuất 1 vùng, một giống và một vụ. Vì nếu không thì không những người dân khó khăn mà doanh nghiệp thu mua cũng gặp khó. Để thực hiện được việc này, tỉnh cần giao chỉ tiêu cho các huyện, từ đó huyện giao chỉ tiêu cho các xã. Hiện Ninh Giang đã giao chỉ tiêu mỗi xã phải có một vùng 30ha trở lên. Tuy nhiên, sau khi dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng, huyện đều có quy hoạch vùng sản xuất tập trung nhưng tỉnh lại chưa có hướng dẫn để người dân triển khai các dự án sau khi có quy hoạch vùng. Đề nghị tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng với các huyện tháo gỡ khó khăn cho người dân tập trung sản xuất. Nếu không kịp thời, người dân tự chuyển đổi khiến việc quản lý rất khó khăn.
Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Tiến Tầng
Làm rõ nguyên nhân tình trạng bỏ ruộng, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết năm 2016, toàn tỉnh có hơn 400 ha ruộng bỏ hoang, tập trung chủ yếu đất xen kẹp, gần các khu dân cư, khu công nghiệp canh tác không hiệu quả, bị chuột phá hoại. Ông Phú đề nghị chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và có quy định cụ thể. Cá nhân nào khi nhà nước giao đất 2 năm mà không canh tác thì phải thu lại theo quy định. Địa phương cũng cần trích một phần kinh phí hỗ trợ người dân làm đất để người dân không còn bỏ ruộng.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Đề cập việc hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp chưa trúng, đại biểu Ngô Thị Thu (Kim Thành) cho biết hỗ trợ thiệt hại cho nông dân do thiên tai, dịch bệnh gây ra bằng một số giống rau nhưng không phù hợp với vùng, địa phương, hiệu quả sử dụng thấp, gây lãng phí. Đại biểu thu đề nghị tỉnh cần chuyển hình thức hỗ trợ bằng tiền, phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho hiệu quả hơn. Bà Thu đề nghị tỉnh bố trí kinh phí thực vùng sản xuất rau tập trung 600 ha ở 6 xã khu C của Kim Thành. Đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà) đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hỗ trợ cho người dân sản xuất vải sạch đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đại biểu Dũng cũng đề nghị nâng mức kinh phí hỗ trợ cho người dân dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng hơn mức 1 triệu đồng/ha đang thực hiện.
Đại biểu Ngô Thị Thu (Kim Thành)
Về ý kiến hỗ trợ giống cho những vùng bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai không phù hợp, ông Phú cho biết sống thóc giống, rau giống là do Trung ương hỗ trợ, tỉnh không có quyền quyết định. Trung ương chỉ hỗ trợ thóc giống, hạt rau giống chứ không hỗ trợ tiền, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như đại biểu Thu đề nghị.
Kết luận vấn đề này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con vùng nuôi thủy sản tập trung đã được huyện phê duyệt quy hoạch làm các thủ tục cần thiết trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, dứt khoát không được khi chưa phê duyệt dự án. Các khu vực quy hoạch trên từ 20ha trở lên vẫn được nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng/ha theo quy định. Đối với ý kiến cho rằng diện tích nhà trông coi ở các vùng chuyển đổi 20m2 quá nhỏ, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển giao ngành nông nghiêp, xây dựng, tài nguyên môi trường nghiên cứu, xem xét đề xuất với UBND tỉnh quy định diện tích nhà trông coi cho phù hợp trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu phải trên nguyên tắc không để khu nuôi trồng thủy sản tập trung trong vài năm nữa thành khu dân cư với các nhà cao tầng. "Cá nhân nào vi phạm xây nhà ở kiên cố phải dỡ bỏ", đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển kiên quyết.
Đề nghị tiếp tục hỗ trợ xi măngBày tỏ trăn trở sau khi quyết định của tỉnh ngừng hỗ trợ xi măng làm đường nội đồng, đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) khẳng định đây là chủ trương trúng, đúng, tạo cú hích làm cải thiện bộ mặt nông thôn. Một số tuyến đường nội đồng đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. Tỉnh nên xem xét tiếp tục hỗ trợ một phần có thể ít hơn mức cũ để khuyến khích người dân để làm sao cho việc này vẫn được tiếp tục thực hiện.
Đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện)
Các đại biểu Ngô Thị Thu (Kim Thành), Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ), Lê Văn Dũng (Thanh Hà) đề nghị tỉnh bố trí ngân sách tiếp tục hỗ trợ xi măng làm đường nội đồng, đặc biệt một số tuyến đường đã làm xong mặt bằng.
Làm rõ thêm về vấn đề này, ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết trong 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ 14.000 tấn xi măng, tương đương 639 tỷ đồng làm 3.000 km đường giao thông nông thôn. Đến thời điểm này, tỉnh mới thanh toán cho doanh nghiệp hơn 300 tỷ đồng, số còn lại còn khá lớn. Mặt khác, kinh phí của tỉnh hạn hẹp nên trước mắt sẽ tạm dừng hỗ trợ xi măng làm đường nội đồng. Ông Long mong muốn người dân chia sẻ khó khăn với tỉnh. Đối với các con đường đã chuẩn bị về mặt bằng, bảo đảm tiêu chuẩn, tỉnh sẽ nghiên cứu hỗ trợ một phần để làm.
Đại biểu Ngô Thị Thu cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ xây những nhà văn hóa khu dân cư đã xuống cấp. Theo đại biểu Thu, trước kia, kinh phí hỗ trợ xây nhà văn hóa khu dân cư 50 triệu đồng/nhà nên diện tích hẹp, chất lượng công trình không tốt. Nay, kinh phí được nâng lên 100 triệu đồng/nhà, đề nghị tỉnh hỗ trợ những nhà xuống cấp mức hỗ trợ mới để xây lại. Đại biểu Thu cũng cho rằng mức hỗ trợ 2 tỷ đồng/sân vận động của xã và 200 triệu đồng/sân vận động của thôn là thấp, đề nghị tỉnh quan tâm nâng mức hỗ trợ sân vận động của xã từ 5-7 tỷ đồng/sân, sân vận động của thôn từ 400-600 triệu đồng/sân.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ)
Về nước sạch nông thôn, đại biểu Đồng Dũng Mạnh cho biết trên địa bàn huyện còn 2 nhà máy nước lấy nước mặt sông Cửu An cung cấp cho sinh hoạt của người dân nhiều lúc không bảo đảm chất lượng. Về vấn đề này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị phải đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi toàn bộ nhà máy lấy nước sông nội đồng ra lấy nước sông ngoài. Phấn đấu trong năm 2017 (trước 1 năm so với kế hoạch), phải chuyển đổi 11 nhà máy lấy nước sông nội đồng sang lấy nước mặt sông ngoài. Các nhà máy này có thể là điểm chung chuyển nước sạch cho Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hải Dương để cấp nước cho người dân. Trong thời gian chờ chuyển đổi, các sở, ngành liên quan thường xuyên phải lấy mẫu để kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng.
Buổi chiều, HĐND tỉnh tiếp tục thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn.
SỸ THẮNG