Không để doanh nghiệp trục lợi từ việc tăng giờ làm thêm

03/04/2022 08:55

Từ ngày 1.4, Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 ngày 23.3.2022 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội chính thức có hiệu lực.

So với quy định cũ trong Bộ luật Lao động 2019, số giờ làm thêm tối đa của NLĐ trong 1 tháng tăng từ 40 giờ lên 60 giờ (trừ một số trường hợp theo quy định); số giờ làm thêm tối đa của NLĐ trong 1 năm áp dụng đối với tất cả các ngành nghề là 300 giờ (trước đây chỉ được thực hiện đối với một số ngành, nghề, công việc).

Đây được coi là biện pháp giúp doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời góp phần tăng thêm thu nhập cho NLĐ để trang trải cuộc sống trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Mục tiêu của việc tăng giờ làm thêm là rất đúng đắn, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và NLĐ tại thời điểm này. Tuy nhiên, để việc tăng giờ làm thêm bảo đảm đúng quy định của pháp luật, mang đến những giá trị thiết thực nêu trên không phải là việc dễ. Không ít người vẫn nghi ngại về việc tăng giờ làm thêm. Bởi cùng với sự vận động của xã hội, mục tiêu của chúng ta hướng đến là giảm giờ làm, tăng thu nhập chứ không phải là tăng giờ làm thêm. 

Ngay khi nghị quyết này được ban hành, tôi đã thấy trên trang Facebook cá nhân của một cán bộ công đoàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đang sử dụng cả nghìn lao động ở Tứ Kỳ chia sẻ dòng trạng thái khá sâu sắc về vấn đề này. Nội dung như sau: "Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên việc nâng trần số giờ làm thêm trong tháng (vượt quy định của Bộ luật Lao động 2019) để doanh nghiệp phục hồi sản xuất là cần thiết.

Tuy nhiên, chúng ta nên xác định đây là quyết định mang tính thời vụ để giải quyết tình huống cấp bách chứ không thể thực hiện lâu dài. Vì nếu thực hiện lâu dài nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe NLĐ và cuộc sống của gia đình họ.

Tăng số giờ làm thêm để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn thì ở chiều ngược lại doanh nghiệp cũng cần có chế độ, chính sách phù hợp để chia sẻ khó khăn với NLĐ. 

Cho phép nâng trần số giờ làm thêm trong tháng phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định trên tổ chức và ép NLĐ làm thêm liên tục, kéo dài, không đầu tư đổi mới công nghệ, không đầu tư cho công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ và hạn chế tuyển dụng thêm lao động mới".

Tôi xin được trích đoạn đăng tải của anh cán bộ công đoàn doanh nghiệp này. Là người trực tiếp làm việc cho doanh nghiệp, đồng thời cũng là người trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho NLĐ nên anh hiểu hơn ai hết điều doanh nghiệp và NLĐ đang cần là gì. 

Hiện nay, mức lương của NLĐ, đặc biệt là công nhân làm việc trực tiếp vẫn còn khá hạn hẹp. Vì thế tăng giờ làm, tăng thu nhập chắc chắn sẽ có nhiều công nhân đồng thuận. Đấy là vì cái lợi trước mắt. Còn trên thực tế chúng ta đều hiểu rằng không ai muốn phải làm quá nhiều ngoài giờ hành chính. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Tôi đã từng gặp trường hợp nữ công nhân làm hơn 10 năm ở một doanh nghiệp sau đó phải nghỉ việc dù đang làm quản lý chuyền vì công ty nơi chị làm việc thường xuyên tăng ca, chị không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ các con. Đứa con lớn của chị đã vào cấp 2, có dấu hiệu nói dối, tụ tập chơi bời, không tập trung học hành. Chị chia sẻ, công việc và thu nhập rất quan trọng nhưng chị không thể đánh đổi bằng cả tương lai của con cái sau này.

 Như vậy, để việc tăng giờ làm đạt hiệu quả như mong muốn cần doanh nghiệp thực tâm, cơ quan quản lý nhà nước về lao động kiểm soát chặt chẽ và đặc biệt là tổ chức công đoàn cơ sở phải sâu sát, không để doanh nghiệp trục lợi từ những kẽ hở của chính sách này như cảnh báo của anh cán bộ công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp nói trên.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để doanh nghiệp trục lợi từ việc tăng giờ làm thêm