Chính phủ vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tình hình dịch COVID-19, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2020 đến 18 giờ ngày 23., Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn dịch, ghi nhận 81.678 ca mắc COVID-19 (79.537 ca trong nước và 2.141 ca nhập cảnh), 370 ca tử vong. Qua mỗi giai đoạn, quy mô, địa bàn, mức độ lây lan dịch bệnh đều tăng.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có kết quả phòng, chống dịch tốt trên thế giới
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17.7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Kho dã chiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Bộ Y tế đã mua, huy động, tiếp nhận viện trợ các trang thiết bị, thuốc, vật tư, chuẩn bị năng lực sản xuất, cung cấp khí oxy... cho công tác xét nghiệm, điều trị.
Về sản xuất và sử dụng khí oxy, hiện năng lực sản xuất của các nhà máy oxy của cả nước rất lớn, tổng công suất đạt khoảng 851.759 m3 khí/ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có khả năng nâng thêm 50% - 100% công suất; có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.200 ca nhiễm cần đến thở oxy. Như vậy, năng lực sản xuất và sử dụng oxy là đáp ứng đủ cho cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Các tỉnh, thành phố đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Tại một số địa phương có diễn biến phức tạp như Bắc Giang, Bắc Ninh, dịch bệnh đã được ngăn chặn, kiềm chế và đẩy lùi. Có 8/61 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong nước, 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và trực tiếp là Tổng Giám đốc WHO vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số các quốc gia có kết quả phòng, chống dịch tốt trên thế giới. Việt Nam có số dân đông xếp thứ 15 trên thế giới nhưng tại thời điểm ngày 20.7 vẫn là 1 trong 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có số ca mắc trên 1 triệu dân, số ca tử vong trên 1 triệu dân thấp nhất thế giới, số tử vong trên 1 triệu dân của Việt Nam là 3,7; trong khi trung bình thế giới là 532,1, cao nhất là Peru (5.842), một số nước trong khu vực: Indonesia là 286, Philippines là 242, Malaysia là 231, Myanmar là 112, Campuchia là 70, Thái Lan là 53, Brunei là 7.
Báo cáo khẳng định, hai năm qua, chúng ta đã thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, bảo đảm điều kiện, môi trường để phát triển kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế - xã hội để có nguồn lực phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Kết quả phòng chống dịch đã góp phần quan trọng đảm bảo thực hiện thành công các sự kiện chính trị lớn của đất nước: tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, bảo đảm an ninh, an toàn và yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Chúng ta cũng đã phát huy tinh thần yêu nước, niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, huy động sự ủng hộ, tham gia tự giác, tích cực của nhân dân, doanh nghiệp và các lực lượng đối với công tác phòng, chống dịch.
Hướng tới bảo đảm tự chủ, an ninh vaccine cả trước mắt và lâu dài
Về tình hình mua, nhập khẩu vaccine, báo cáo của Chính phủ cho biết, ngay từ giữa năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan khẩn trương tìm hiểu, tiếp cận, đàm phán với các tổ chức quốc tế, đơn vị sản xuất để có vaccine sớm nhất, tiêm cho nhiều người nhất. Việt Nam cũng đã chủ động tiếp cận, đàm phán với các nhà sản xuất ngay từ trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng. Tính đến nay, Việt Nam đã phê duyệt trong tình huống cấp bách một số loại vaccine phòng COVID-19 của các hãng: AstraZeneca, Gamaleya (Sputnik V), Sinopharm, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson.
Do các điều kiện mua bán vaccine mà các nhà sản xuất đưa ra có nhiều vướng mắc so với pháp luật Việt Nam, Chính phủ đã chủ động báo cáo và Bộ Chính trị đã có ý kiến chỉ đạo, thống nhất tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý để thúc đẩy việc đàm phán, mua bán vaccine với các nhà sản xuất trong trường hợp cấp bách.
Đến nay, đã có cam kết, viện trợ, thỏa thuận, ký hợp đồng cung ứng trong năm 2021 là hơn 130 triệu liều; đang đàm phán ký kết hợp đồng 45 triệu liều; tổng cộng là 175 triệu liều và tiếp tục tìm kiếm, đàm phán các nguồn vaccine khác; giá mua thuộc nhóm mua rẻ nhất; quá trình thực hiện công khai, minh bạch. Tuy nhiên, trong điều kiện khan hiếm vaccine trên toàn cầu, từ nay đến hết quý III/2021, vẫn rất khó khăn về vaccine (dự kiến trong quý III/2021 sẽ có trên 30 triệu liều vaccine). Từ quý IV/2021, vaccine sẽ về nhiều hơn và đến năm 2022, dự kiến có thêm các loại vaccine trên thế giới được cấp phép, các nhà máy sản xuất vaccine trong nước đi vào hoạt động, tình hình cung cấp vaccine sẽ chủ động hơn.
Chính phủ khẳng định luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận mua, nhập khẩu vaccine. Thực tế đã có một số địa phương, doanh nghiệp chủ động đề xuất mua, nhập khẩu vaccine, trong đó TP Hồ Chí Minh đăng ký mua 5 triệu liệu vaccine của Moderna.
So với yêu cầu, việc cung ứng vaccine còn chậm. Nguyên nhân chính là do tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu; vaccine không phải là sản phẩm thương mại được tự do mua bán; tiến độ giao vaccine phụ thuộc hoàn toàn vào nhà sản xuất, cung ứng; vaccine trong Chương trình COVAX được ưu tiên cung ứng cho các nước tự sản xuất và các nước có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng. Thêm vào đó, điều kiện mua bán các nhà sản xuất đặt ra chưa có trong tiền lệ trong mua sắm công.
Về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, theo báo cáo, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực đã chủ động nghiên cứu vaccine. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ ở mức cao nhất, giảm tối đa các thủ tục hành chính đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước nhằm hướng tới bảo đảm tự chủ, an ninh vaccine cả trước mắt và lâu dài, không chỉ đối với dịch COVID-19 mà còn với các loại dịch bệnh khác.
Từ tháng 3.2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước và đến nay đã đạt được kết quả bước đầu tích cực, là một trong số ít nước có 2 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng và là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (vaccine Nanocovax của Nanogen đang thử nghiệm giai đoạn 3; vaccine COVIVAC của IVAC hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 1 và vaccine của Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 - VABIOTECH dự kiến thử nghiệm giai đoạn 1 vào quý III, IV.2021).
Chính phủ đã chỉ đạo thúc đẩy tiếp cận, đàm phán với các nhà sản xuất của nhiều nước để nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước. Đến nay, có 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ (Công ty VABIOTECH đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ quý III.2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm; hỗ trợ Tập đoàn Vingroup ký hợp đồng với Hoa Kỳ để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 từ tinh chất mRNA có ưu điểm tiêm 1 liều duy nhất, có khả năng bảo vệ cao, nhiệt độ bảo quản 2-8 độ C; đồng thời đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/năm, dự định bắt đầu sản xuất từ quý I.2022).
Một số nhà sản xuất đã bày tỏ thiện chí hợp tác và đang trong quá trình đàm phán: Công ty VABIOTECH đang đàm phán với đối tác Nhật Bản về phương án, kế hoạch hợp tác thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ vaccine DNA và một số đơn vị đang đề xuất hợp tác với đối tác của Ấn Độ, Cu Ba, AstraZeneca. Phấn đấu năm 2022 có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine.
Liên quan đến công tác tổ chức tiêm chủng, báo cáo cho biết, đã triển khai đúng kế hoạch, đúng đối tượng ưu tiên, bảo đảm hiệu quả và không để lãng phí, quá hạn, đặc biệt chú ý việc sẵn sàng xử lý các sự cố có thể xảy ra do tiêm vaccine, có vaccine đến đâu tổ chức phân bổ, tiêm ngay đến đó theo yêu cầu phòng, chống dịch.
Tính đến ngày 23.7, Việt Nam đã tiếp nhận 15 đợt với 10.192.050 liều vaccine từ các nguồn viện trợ của COVAX Facility, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và hợp đồng mua vaccine của AstraZeneca, Pfizer. Cuối tháng 7.2021 sẽ tiếp nhận thêm khoảng 6,8 triệu liều (552.240 liều của Pfizer, hơn 3 triệu liều của Moderna do Mỹ viện trợ thông qua COVAX, hơn 1,68 triệu liều của AstraZeneca do COVAX cung cấp, 1.228.500 liều của AstraZeneca mua của Công ty CP Vắc xin Việt Nam và 415.000 liều của Anh viện trợ).
Cả nước đã tiêm được 4.455.986 liều trong tổng số 6.176.760 liều vaccine phân bổ 11 đợt (đạt 72,1%), trong đó có 4.077.099 người đã được tiêm 1 liều vaccine và 334.560 người tiêm đủ 2 liều vaccine. Các địa phương đang tích cực chuẩn bị tiêm chủng 4.015.290 liều vaccine (4 đợt tiếp theo) vừa mới tiếp nhận từ 12.7, ưu tiên các đối tượng ở tuyến đầu chống dịch, người lao động tại các khu công nghiệp, người dân ở vùng có nguy cơ cao, đặc biệt một số tỉnh phía Nam có dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Số vaccine tiếp tục tiếp nhận trong quý III/2021 sẽ ưu tiên tiêm cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, người dân ở vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp, các địa phương trọng điểm, đầu tàu kinh tế, không để đứt gãy các hoạt động sản xuất, bảo đảm mục tiêu kép: bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân và phát triển kinh tế.
Bảo đảm đủ vaccine cho nhu cầu phòng, chống dịch các năm tiếp theo và tiến tới xuất khẩu
Thời gian tới, Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ngăn chặn và phát hiện sớm, cách ly triệt để trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, khoanh vùng và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong. Trước mắt, đối với các tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải ưu tiên mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng phù hợp, hiệu quả trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp khi có 100.000 người mắc, 200.000 người mắc trong khoảng thời gian 28 ngày cần chăm sóc y tế.
Đối với các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Phú Yên, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp và một số địa phương có dịch, cần tập trung ưu tiên cao nhất nhằm dập dịch nhanh nhất, sớm nhất. Không để dịch lan rộng trên quy mô toàn quốc tới mức phải thực hiện phong tỏa toàn quốc như một số nước.
Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2021 có đủ vaccine để tiêm chủng đủ số liều cho ít nhất 50% người từ 18 tuổi trở lên; tổ chức Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng để giảm nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tăng nặng bệnh và giảm tử vong. Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền và công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đến hết quý I.2022 tiêm chủng đủ số liều cho 70% dân số, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Đầu năm 2022 có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine, chậm nhất đến hết quý II.2022 có vaccine sản xuất trong nước. Bảo đảm đủ vaccine cho nhu cầu phòng, chống dịch các năm tiếp theo và tiến tới xuất khẩu.
Theo TTXVN