Gần đây có thông tin dư luận cho rằng, năm Nhâm Thìn-“năm Rồng” sẽ có nhiều mưa, lũ, bão…
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Ông Lê Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương - Ảnh: Chinhphu.vn |
PV:Gần đây có thông tin cho rằng, năm Nhâm Thìn “năm Rồng” sẽ có mưa, lũ, bão nhiều… Xin ông cho biết, có cơ sở khoa học nào để khẳng định tính chính xác của thông tin này? Ông Lê Thanh Hải: Theo số liệu ghi nhận của chúng tôi cho thấy, trong 4 năm Thìn gần đây tức là năm 1964, 1976, 1988, 2000, số lượng các cơn bão rất khác nhau. Chẳng hạn năm 1964 có 11 cơn bão, nhưng 12 năm sau (năm 1976) thì cả năm không có 1 cơn bão nào, đến năm 1988 thì có 5 cơn bão và năm 2000 thì chỉ có 2 cơn bão.
Đối với lượng mưa ở 4 năm trên cũng phân bố không đều, có năm thì lượng mưa rất nhiều nhưng cũng có năm thì lượng mưa lại ít. Ví dụ năm 1988, tại Huế lượng mưa ít hơn so với trung bình mọi năm khoảng 1.121mm. Trong khi đó, năm 1964 lại là năm nhiều bão nhất tại Đà Nẵng với lượng mưa vượt 1.217mm so với trung bình.
Qua đó cho thấy, không có cơ sở khoa học nào để khẳng định năm Thìn có bão nhiều, mưa nhiều.
PV: Vừa qua, các bản tin dự báo thời tiết liên tiếp cập nhật diễn biến của áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông.Việc xuất hiện áp thấp nhiệt đới trong tháng 2 có phải là bất thường không, thưa ông? Và liệu có báo hiệu điều gì trong mùa mưa bão năm nay?
Ông Lê Thanh Hải: Thực ra áp thấp nhiệt đới xuất hiện trong tháng 1 là hiện tượng thường gặp hơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện trong tháng 2. Số liệu nghiên cứu cho thấy, trong 20 năm gần đây chưa từng có áp thấp nhiệt đới xuất hiện trong tháng 2. Tuy nhiên, năm nay áp thấp nhiệt đới lại xuất hiện trong tháng 2. Việc xuất hiện này là biểu hiện của biến đổi khí hậu. Còn việc hiện tượng này có báo hiệu điều gì cho mùa bão, lũ năm nay hay không thì chúng ta còn phải xem xét những nhận định dự báo thời tiết tiếp theo. Đầu tháng 3 dự báo còn rét đậm PV:Liệu sẽ có khoảng bao nhiêu đợt rét nữa trước khi bước vào hè thưa ông? Theo chúng tôi thống kê thì rét đậm chỉ xuất hiện đến hết tháng 2 nhưng năm nay giai đoạn đầu của tháng 3 vẫn có thể có đợt rét đậm, rét hại nữa. Các đợt lạnh và rét thì vẫn còn, có thể giữa và cuối tháng 3 sẽ có một đợt rét ngắn ngày, khoảng 2-3 ngày. Còn tháng 4, tháng 5 vẫn có những đợt không khí lạnh tràn về gây ra se lạnh chứ không có rét nữa.
PV: Thời gian qua, diễn ra liên tiếp các đợt rét đậm. Xin ông cho biết có phải là xu thế chung nền nhiệt mùa đông tại Việt Nam đang tăng dần?
Ông Lê Thanh Hải: Như chúng ta thấy là mùa đông năm nay ở các tỉnh miền Bắc liên tục có các đợt lạnh và gây ra nền nhiệt độ của mùa đông năm nay thấp hơn rất nhiều so với trung bình.
Ví dụ, ở Hà Nội, nhiệt độ tháng 12 thấp hơn từ 0,5 – 1oC, tháng Giêng thì thấp hơn từ 1- 2oC, và tháng 2 này khả năng cũng sẽ thấp hơn khoảng 1-2oC nữa.
Chúng tôi dự báo khuynh hướng sắp tới của mùa xuân, những ngày còn lại của tháng 2, tháng 3, 4, 5 và những tháng tiếp theo, do chịu ảnh hưởng của hiện tượng Nanina nên mùa xuân năm nay tiếp tục có những đợt rét, đợt lạnh. Ví dụ trong tuần này có một đợt lạnh gây ra đợt rét đậm vào 3 ngày cuối của tháng 2. Như vậy là nền nhiệt trung bình của những tháng mùa xuân, tháng 3, 4, 5 năm nay cũng sẽ thấp hơn so với trung bình.
Điều đó thể hiện đầu mùa hè năm nay sẽ tương đối mát mẻ. Ngoài ra cũng có những đợt nắng nóng nhưng sẽ không gay gắt và không dài kỷ lục như năm 2010.
Còn đối với miền Nam, có thể có mưa trái mùa nhiều, hầu như không có mùa khô dài mà chủ yếu là nóng, một số điểm nhiệt độ còn cao hơn trung bình. Dự báo mùa xuân năm nay ở miền Nam mưa trái mùa cũng sẽ có.
Năm 2012, Việt Nam trực tiếp chịu 6 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới
PV: Thủ tướng Chính phủ đã vừa có Chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012. Theo đánh giá của ông, dự báo thời tiết tình hình mưa bão năm nay diễn biến như thế nào?
Ông Lê Thanh Hải: Năm 2012, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện sớm hơn so với quy luật hàng năm (bình thường vào khoảng giữa tháng 5). Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam có khả năng từ 6 - 7 cơn.
Trên phạm vi cả nước, nền nhiệt độ toàn mùa phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm, riêng khu vực các tỉnh miền Bắc các tháng đầu mùa có nền nhiệt độ thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm, các tháng nửa và cuối mùa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong những tháng nửa đầu mùa hè, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ vẫn có khả năng xảy ra một số đợt nắng nóng, tuy nhiên mức độ, phạm vi ảnh hưởng không rộng, cường độ không gay gắt và có khả năng tương đương như mùa hè năm 2011.
Về lượng mưa, ở Bắc Bộ các tháng đầu mùa lượng mưa ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; các tháng giữa và cuối mùa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Có khả năng mùa mưa đến sớm hơn so với bình thường. Ở Trung Bộ, lượng mưa toàn mùa có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nam Bộ và Tây Nguyên, lượng mưa có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều cùng thời kỳ. Có khả năng mùa mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ đến sớm hơn so với bình thường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Diễm - Trần Thơm (Chinhphu)