Không có "đất" đứng?

15/12/2013 06:06

Đến nay đã có 6 trong tổng số 7 văn phòng giới thiệu việc làm thanh niên cấp huyện dừng hoạt động do không phát huy được hiệu quả...




Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên huyện Nam Sách "cửa đóng, then cài". Ảnh chụp chiều 12-12


Văn phòng giới thiệu việc làm (GTVL) thanh niên cấp huyện được coi như một “cánh tay” nối dài của Trung tâm GTVL thanh niên tỉnh, có nhiệm vụ tư vấn học nghề, GTVL cho thanh niên ngay tại các địa phương. Tuy nhiên, mong muốn có nhiều thanh niên, đặc biệt thanh niên ở vùng nông thôn được tiếp cận thông tin việc làm, được tư vấn học nghề khó đạt được, vì hầu hết các văn phòng này đều đang gặp khó khăn, có nơi phải đóng cửa.

Khó duy trì hoạt động

Năm 2006, Ninh Giang là huyện đầu tiên thành lập Văn phòng GTVL thanh niên huyện. Ngày mới thành lập, văn phòng đã phát huy được hết công năng của mình trong tư vấn học nghề, GTVL, tư vấn xuất khẩu lao động (XKLĐ)… Có thời điểm, văn phòng đã GTVL, tư vấn XKLĐ cho khoảng 1.000 thanh niên tại địa phương. Ngoài việc nhận các đơn hàng của Trung tâm GTVL tỉnh, văn phòng cũng tự tìm đơn hàng của các doanh nghiệp nên thông tin về thị trường lao động rất phong phú, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, Văn phòng GTVL thanh niên huyện rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng và hiện tại gần như không hoạt động. Anh Bùi Văn Tú ở xã Hoàng Hanh (Ninh Giang) rất muốn tìm thông tin về XKLĐ, nhưng khi tìm đến Văn phòng GTVL thanh niên huyện theo địa chỉ được giới thiệu thì không có. Qua hỏi thăm, anh Tú biết văn phòng của huyện đã chuyển lên gác 3 của nhà làm việc Huyện ủy và cũng không có ai phụ trách nữa. Anh Tú chia sẻ: “Vì muốn tìm tới trung tâm có uy tín để tìm hiểu thông tin, nhưng Văn phòng GTVL thanh niên huyện đã không còn hoạt động, tôi sẽ phải lên thành phố để tìm tới các trung tâm khác”…

Huyện Thanh Miện thành lập Văn phòng GTVL thanh niên sau huyện Ninh Giang. Do có văn phòng riêng ở ngay trên trục đường chính của thị trấn nên thanh niên đến tìm hiểu thông tin việc làm khá thuận lợi… Tuy nhiên, sau khi hết hợp đồng thuê địa điểm, không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, Văn phòng GTVL thanh niên huyện Thanh Miện cũng phải chuyển về cùng trụ sở với Huyện đoàn và cũng không có người phụ trách. Anh Nguyễn Văn Khải, 23 tuổi ở Ngũ Hùng (Thanh Miện) vừa tốt nghiệp chuyên cơ khí, Trường Cao đẳng nghề giao thông vận tải đường thủy I có nhu cầu tìm việc làm ngay tại địa phương. Tuy nhiên, để tìm được công việc như ý anh Khải phải vận dụng mọi mối quan hệ của gia đình, tự tìm tới các doanh nghiệp để nộp hồ sơ xin việc trong khi không có bất kỳ một thông tin gì về thị trường lao động. Anh Khải cho biết: “Trước đây tôi cũng biết Huyện đoàn có Văn phòng GTVL cho thanh niên, nhưng khi lên thị trấn tìm hiểu thì văn phòng đã không còn hoạt động. Không chỉ tôi mà rất nhiều các bạn của tôi đều phải tự tìm kiếm thông tin việc làm”.

Toàn tỉnh hiện có 7 Văn phòng GTVL thanh niên tại các huyện: Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Bình Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách và Kinh Môn. Tuy nhiên, trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, nhiều Văn phòng GTVL cấp huyện đã không thể phát huy được hiệu quả. Đến nay có 6 văn phòng dừng hoạt động, chỉ còn Văn phòng GTVL thanh niên huyện Kinh Môn (mới thành lập). Điều này kéo theo việc, nhiều thanh niên không được tiếp cận nguồn thông tin thị trường lao động, tư vấn XKLĐ. Họ phải tự tìm hiểu thông tin, hoặc được các trung tâm GTVL trong và ngoài tỉnh GTVL. Do đó, có trường hợp các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về thị trường lao động của thanh niên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...



Văn phòng Giới thiệu việc làm thanh niên huyện Kinh Môn là đơn vị duy nhất còn hoạt động do mới được thành lập


Cần một hướng đi mới

Thời gian qua, do nhu cầu tìm kiếm nguồn lao động, nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp về tận xã, phường, thị trấn tổ chức tư vấn, GTVL cho thanh niên mà không qua Văn phòng GTVL thanh niên của huyện. Mặt khác, các Văn phòng GTVL thanh niên huyện đều gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Khi được thành lập, các Văn phòng GTVL đều phải tự thuê mặt bằng làm việc, trả lương cho tư vấn viên… Khi không có đơn hàng, thì đồng nghĩa với việc văn phòng không có đủ khả năng kinh tế để duy trì hoạt động. Một nguyên nhân nữa khiến việc duy trì hoạt động của các Văn phòng GTVL thanh niên cấp huyện gặp khó là do nhân tố con người. Đội ngũ tư vấn viên và trưởng văn phòng GTVL cấp huyện hầu hết chưa có kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn nghề nghiệp, không linh hoạt trong việc tìm kiếm các đơn hàng cho văn phòng…

Để giải quyết vấn đề này, anh Vũ Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm GTVL thanh niên tỉnh cho biết: thời gian tới, Trung tâm GTVL thanh niên tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các Huyện đoàn để bố trí lại các văn phòng GTVL thanh niên nhằm phát huy hết hiệu quả. Trung tâm GTVL thanh niên tỉnh có chủ trương không nhất thiết mỗi huyện phải thành lập một Văn phòng GTVL cấp huyện. Tùy thuộc điều kiện của từng địa phương để xây dựng mô hình phù hợp. Với những huyện có khu, cụm công nghiệp phát triển như Kinh Môn, Kim Thành, Chí Linh và Nam Sách sẽ đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động của văn phòng. Còn với các huyện còn lại tùy theo điều kiện sẽ xây dựng đội ngũ cộng tác viên làm việc trực tiếp với trung tâm. Họ sẽ có trách nhiệm tư vấn học nghề, GTVL, tư vấn XKLĐ cho thanh niên tại các địa phương không có Văn phòng GTVL thanh niên. Những cộng tác viên này có thể là cán bộ đoàn hoặc những người có kỹ năng tư vấn tốt, chịu sự quản lý của trung tâm, được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, được cung cấp thông tin tuyển dụng, trách nhiệm sẽ trực tiếp gắn với quyền lợi của mỗi người. Nếu xây dựng được mô hình này sẽ tránh lãng phí trong xây dựng Văn phòng GTVL cấp huyện, hơn nữa lại phát huy được hết hiệu quả, tiếp cận nhanh hơn với thanh niên, đặc biệt thanh niên ở vùng nông thôn.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không có "đất" đứng?