Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

31/07/2017 15:17

Bệnh sốt xuất huyết tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Tại thôn Khánh Mậu, xã Thanh Thủy (Thanh Hà) đã xuất hiện người bị sốt xuất huyết.



Xã Thanh Thủy đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Phát hiện mầm bệnh

Trong tháng 7, chị Nguyễn Thị Chung và anh Nguyễn Văn Thư sinh sống và làm việc tại Hà Nội về thăm mẹ là bà Lê Thị Quạt ở thôn Khánh Mậu. Trong thời gian về thăm mẹ, chị Chung và anh Thư có những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết (SXH). Khi quay lại Hà Nội, cả hai đều được chẩn đoán mắc bệnh SXH. Ngày 22.7, bà Quạt có biểu hiện sốt, nổi mẩn đỏ, đến ngày 24.7 bà được chuyển lên Hà Nội và được chẩn đoán mắc bệnh SXH. Ngày 27.7, bà Nguyễn Thị Vê (hàng xóm của bà Quạt) bị sốt cao, đau đầu, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Hà lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được xác định có dấu hiệu nghi ngờ lâm sàng của bệnh SXH. Qua xét nghiệm cho thấy bà Vê âm tính với SXH. Tuy nhiên, đây là trường hợp từ vùng nghi ngờ có dịch nên mẫu bệnh phẩm phải gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ông Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết do rơi vào cuối tuần nên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chưa tiếp nhận mẫu bệnh phẩm của bà Vê.

Ngay khi nhận được thông tin nghi ngờ xuất hiện ổ dịch SXH tại xã Thanh Thủy, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành giám sát nơi ở của bà Quạt và phát hiện có yếu tố mầm bệnh. Tuy nhiên, phải chờ kết quả kiểm tra, xét nghiệm mới có kết luận chính xác. Sáng 29.7, các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người xã Thanh Thủy cùng với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, MTTQ xã..., lãnh đạo thôn Khánh Mậu chia thành các nhóm đến tận nhà các hộ dân để tuyên truyền vận động người dân tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, loại bỏ những vật dụng chứa nước không cần thiết như chai lọ, chum vại... để sau đó tiến hành phun thuốc diệt muỗi. Xã Thanh Thủy đã được hỗ trợ 9 máy phun và 25 lít thuốc diệt muỗi để tiến hành phun phòng trừ.

Ông Ngô Duy Dụ ở thôn Khánh Mậu cho biết: "Nhà tôi cách gia đình bà Quạt khoảng 300 m nên khi nghe thông tin ở đó có mầm bệnh cũng rất lo lắng. Nghe thông tin trên Đài Truyền thanh xã, tôi và các thành viên trong gia đình đã kịp thời tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh, những chai lọ, vật chứa nước bẩn đều được đổ bỏ và lật úp xuống để muỗi không còn nơi trú ngụ. Mọi người trong gia đình cũng đã bôi dầu, bôi thuốc để tránh bị muỗi đốt".

Chủ động phòng chống

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cùng thời điểm này, tại xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) đã có một trường hợp nghi ngờ mắc SXH. Qua quá trình giám sát không thấy có yếu tố dịch tễ, kết quả kiểm tra âm tính nên mối nghi ngờ mắc SXH đã được loại bỏ.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 31 trường hợp bệnh nhân vãng lai mắc SXH (cả năm 2016 có 6 ca vãng lai mắc). Đặc biệt, trong tháng 7, ca bệnh vãng lai tăng đột biến với 24 trường hợp. Phần lớn các trường hợp là học sinh, sinh viên di chuyển từ vùng có dịch về địa phương. Đây cũng là mối lo rất lớn vì SXH là bệnh truyền nhiễm trong khi hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccine phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là diệt muỗi, diệt loăng quăng (bọ gậy) và phòng tránh muỗi đốt.

Trước đó, ngày 17.6, Sở Y tế đã có công văn yêu cầu tăng cường các hoạt động phòng chống SXH. Theo đó, người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay bình hoa. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ… Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết