Xe chở vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất chạy suốt ngày đêm khiến nhiều con đường dày đặc bụi, là nỗi ám ảnh của các hộ sống xung quanh và những người dân đi qua.
Phun nước chỉ giảm một phần bụi trên đường phố Cống Câu, phường Hải Tân (TP Hải Dương)
Sống chung với bụi
Mặc dù phố Cống Câu, phường Hải Tân (TP Hải Dương) dài chưa đầy 1 km nhưng là tuyến đường vận chuyển chính của cảng Cống Câu và trạm trộn bê tông Hải Dương. Cảng Cống Câu là đầu mối cung cấp vật liệu xây dựng lớn nhất cho TP Hải Dương. Vì vậy, lượng xe chở vật liệu xây dựng chạy trên con phố này rất nhiều. Bụi bẩn cũng theo phương tiện rải khắp phố, theo gió bay thẳng vào nhà dân hai bên đường. Bà Đặng Thị Phước ở số nhà 38phố Cống Câu bức xúc cho biết bụi làm cho nhiều người trong phố bị bệnh về mắt, viêm họng, viêm phổi. Xe chở vật liệu xây dựng, bê tông tươi chạy suốt ngày đêm làm rơi vãi đất, cát trên đường. Mỗi khi xe chạy qua, bụi tung lên, xộc thẳng vào trong nhà. Nhiều gia đình phải đưa người già, trẻ nhỏ đến nhà người quen ở nhờ để tránh bụi.
Người dân sống hai bên đường từ ngã tư Lỗ Sơn vào mỏ đá của Công ty CP Khai thác và chế biến khoáng sản Hải Dương ở thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) cũng chung cảnh ngộ như vậy. Nguyên liệu phục vụ sản xuất của Nhà máy luyện kim Tân Nguyên, sản phẩm của Công ty Xi măng Trường Thịnh, than sau sàng tuyển từ các bãi than sát sông Kinh Thầy đều được vận chuyển qua đường này. Không khó để nhận ra bụi than lẫn với bụi đá bám chặt trên lá cây, mái nhà, quần áo của người dân hai bên đường. Anh Vũ Văn Bân ở khu 2 thị trấn Phú Thứ than thở: “Cửa đóng im ỉm nhưng mỗi ngày quét nhà vài lần không hết bụi. Quần áo, chăn màn giặt liên tục nhưng lúc nào cũng xám xịt, bám đầy bụi”.
Cũng trên địa bàn huyện Kinh Môn, nhiều năm nay người dân thôn Trại Xanh, xã Duy Tân sinh sống hai bên đường dẫn từ bến đò Trại Xanh ra đường liên xã cũng khổ sở vì bụi. Con đường này dẫn vào bãi than ven sông nên xe chở than thường xuyên qua lại. Ông Trần Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Tân cho biết nguyên nhân gây bụi trên tuyến đường xuất phát từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển than. Bãi than của Công ty TNHH một thành viên Trường Khánh hoạt động khi chưa đủ thủ tục theo quy định. Than được tập kết, nghiền, sàng tuyển trên bãi rồi đưa lên các phương tiện vận chuyển đi tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, doanh nghiệp không có biện pháp bảo đảm môi trường nên thường xuyên phát tán bụi than vào không khí. Theo quan sát của phóng viên, thời điểm này thời tiết đang trong mùa hanh khô, gió lớn thổi bụi tung mù. Mái nhà, lá cây phủ một màu xám xịt.
Chưa có giải pháp xử lý triệt để
Trước những bức xúc của người dân, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Ông Trần Đức Chính cho biết thêm UBND xã nhiều lần làm việc với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn chuyên vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất, yêu cầu họ có các biện pháp bảo vệ môi trường như quét bụi, tưới nước rửa đường, che chắn thùng xe khi di chuyển nhằm hạn chế bụi phát sinh.
Theo ông Phạm Văn Mai, Chủ tịch UBND phường Hải Tân, UBND phường đã làm việc với lãnh đạo cảng Cống Câu và những doanh nghiệp có hoạt động vận tải trên tuyến phố này, yêu cầu họ có biện pháp bảo vệ môi trường như quét dọn, bơm nước tưới, chở đúng tải trọng, chạy đúng tốc độ cho phép nhằm hạn chế bụi.
Mặc dù vậy, theo phản ánh của người dân, những biện pháp doanh nghiệp triển khai chỉ có hiệu quả tạm thời. Xe chở quá tải trọng, lưu thông tốc độ cao, không che chắn để vật liệu rơi vãi trên đường diễn ra thường xuyên, chính quyền địa phương cũng không thể xử lý nếu không có sự tham gia của các lực lượng chức năng như công an, thanh tra giao thông. Nếu đường không được quét dọn, tưới nước thường xuyên thì bụi vẫn tiếp tục phát sinh. Giải pháp quan trọng nhất là các cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm tra, yêu cầu các phương tiện tuân thủ quy định về tải trọng, tốc độ lưu thông, che chắn không để nguyên, vật liệu rơi vãi trên đường. Có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với doanh nghiệp và chủ phương tiện không chấp hành.
VỊ THỦY