Khóm tre ngà

11/12/2010 05:49


Minh họa: Phùng Anh Bản

Người ta cứ gán cho ông giáo về hưu của làng đặt tên con đường như vậy nhưng ông khẳng định không phải mình gọi thế đầu tiên mà chính là bà già ít chữ đầu xóm. Bà nghèo khó bao đời và chỉ những năm gần đây mới mở mày mở mặt nhờ việc hai đứa con chịu thương chịu khó đi làm ăn xa, nghe đâu một thằng ở Ma-lai-xi-a hay Đài Bắc gì đó còn con bé em thì ở Hàn Quốc. Chúng gửi tiền về và bảo mẹ phải xây lấy ngôi nhà hai hay ba tầng, cửa kính cửa chớp đàng hoàng, để mát mặt với xóm làng, còn đất cát dù là hương hoả do cha ông để lại, Nhà nước cần mở rộng đường cho giao thông thuận lợi, xe cộ các loại lượn vù vù, thì đừng tiếc, bớt đi một nửa diện tích vườn cũng chẳng sao. Bà cho rằng chúng bàn phải nên làm đúng như thế. Và cũng chẳng cần nghĩ ngợi bà tự ti cho rằng "đầu óc củ chuối" của mình làm gì biết nghĩ tới việc làng, việc nước, nhưng hôm đoàn xe ben, xe cẩu, xe ngoạm về thi công bà hớn hở chạy ra chào đón: Hoan hô các anh! Các anh mở đường mùa xuân đi qua làng!

Bà ngẫu hứng nói thế mà lại thành tên đường. Người ta cứ gán cho ông giáo về hưu có nhiều chữ nghĩa đã làm việc ấy. Ông chối đây đẩy còn bà thì chẳng thừa nhận vì thực ra bà vừa nghe ai nói tới mùa xuân thì ập luôn từ ấy vào chứ biết quái gì tới ý nghĩa của nó. Chỉ tháng sau người ta chẳng bàn chuyện ai đặt tên đường song mặc nhiên gọi vậy như cái tên này từ trên trời phán xuống. Nhưng không mấy ai quên sóng gió qua những ngày mở đường. Chẳng là thiết kế mặt đường rộng những mười lăm hay hai mươi mét không kể vỉa hè cho những bốn làn xe qua lại, lượn từ đầu Mả Vua vùng bắc sông Thưa, vòng tròn hoa xuyến theo luỹ tre làng bên kia, rồi cong cong hình lưng tôm qua giữa làng mình để nối với cây cầu bắc qua sông Đào của con đường năm mới. Nghe đâu công trình này là của quốc gia. Những tám làn xe. Tốc độ bắt buộc phải từ tám mươi tới một trăm hai mươi cây số một giờ, khởi đầu từ phường Thạch Bàn quận Long Biên, Hà Nội, qua địa bàn Hưng Yên, Hải Dương rồi về Hải Phòng tới tận cảng Đình Vũ. Chà! Nhà nước mở mang ghê gớm thật.

Mỗi người dân phải góp công góp của là đúng quá đi rồi. Ấy vậy nhưng mà ông Kỳ cuối xóm cứ nhất định không cho đường qua đất nhà mình. Ông bảo: Mất toi khóm tre ngà! Các vị nhìn xem kìa, đẹp chưa! - Ông khoe với bất cứ ai đến nhà - Mà từ đời ông nội tôi đã có nó rồi – Vẫn là lời ông – Cây vàng au. Lá cũng vàng au. Dóng dài và khoẻ. Thân thẳng mình thon. Cứ gọi là vàng thật chứ chẳng phải đùa. Nhưng mà ông ơi! – Lại chính là bà già ít chữ đầu xóm níu lấy tay ông – Thì là vàng thật chứ sao! Thời buổi này đến đất đen kia cũng còn là vàng huống chi tới khóm tre cha ông để lại. Nhưng mà con đường để bàn dân thiên hạ cùng đi, để ta mở mày mở mặt, chẳng lẽ ông coi là sỏi, là bùn hay sao? Ông Kỳ tròn xoe hai mắt nhìn người đàn bà đầu xóm bên kia như là lần đầu tiên trong đời phát hiện ra bà. Cái mụ goá bụa này!... Có thể ông định nói vậy, may mà kìm được, nhưng giọng vẫn cứ căng căng:
-  Bà Nha, thì bà biết cái gì mà bàn… Đây là việc riêng của gia đình tôi…
Nhưng bà Nha vẫn thân tình:
-  Thì việc riêng của gia đình ông. Nhưng việc riêng ấy nó lại liên can tới việc chung. Ông bảo tôi nói thế có đúng không?

Hình như họ có lời qua tiếng lại một lát nữa rồi ông Kỳ bỏ vào trong nhà còn bà Nha lặng lẽ ra về. Ông Kỳ dứt khoát không giao đất. Ban quản lý dự án trả mức cao nhất theo định giá của tỉnh, ông vẫn không nghe, đền bù từng cây tre ngà theo giá chợ Thông hay chợ Cuối ông cũng lắc đầu. Người ta bảo ông ngoan cố, ông vẫn im lặng mà không phản kháng. Chính quyền mời lên gặp ông tìm cách lảng tránh. Đến khi họp dân bị chất vấn nhiều quá ông đứng lên và dõng dạc phát biểu:

- Những gì bà con nói tôi không dám phản bác. Bởi vì đều đúng hết. Nhưng tôi có lý do của tôi để mà từ chối. Xin đừng bắt tôi phải làm gì trái với lương tâm tôi!

Ái chà chà! Ông già kỳ lạ. Tên ông như thế kể cũng có lý. Trái với lương tâm là thế nào đây? Ông Kỳ ơi! Xin vui lòng bày cái lương tâm của ông ra sân cho bà con chòm xóm chiêm ngưỡng xem nó thế nào nào. Bà con cứ xoáy vào chất vấn mãi ông Kỳ mới chát chúa với đại diện ban quản lý dự án bằng một câu gần như cộc lốc:
- Cho tôi xem bản thiết kế!

Đại diện ban quản lý treo bản thiết kế toàn bộ gói thầu đoạn đường đi qua làng trước đèn để mọi người đều quan sát được. Ông Kỳ ngó quanh rồi lắc đầu:
-  Không! Đây là bản thiết kế về sau. Bản này đã chỉnh lại dốc đường lượn lên đầu cầu. Dốc ấy ở chỗ này - Ông chỉ vào mặt giấy – Dốc ấy không qua khóm tre ngà nhà tôi. Thiết kế trước là như vậy. Các ông đã chỉnh sửa không vì lợi ích chung mà vì tư túi riêng với nhau. Có chuyện chưa rõ ràng ở chỗ này.

Khối người dự họp nhao nhao. Một số cũng lơ mơ có chuyện gì đó nhưng lại chẳng biết là chuyện gì, rồi thấy thiết kế đường đi qua làng như vậy thì cứ cho là như vậy. Cái ông Kỳ ghê gớm thật! Lão moi ở đâu ra những chuyện ghê gớm như thế này chẳng biết. Và cứ như lời lão nói thì dốc lượn lên chân cầu phải cắt ngang hai gia đình vừa mới xây nhà ba tầng khang trang. Bữa nay họ không dự họp dân. Họ cũng chưa về đây sinh sống nghe nói chẳng qua nhiều tiền thì cứ làm dự trữ để đó cho con cái sau này thì phải. Và hình như họ có quan hệ riêng tư gì đó với ông chủ tịch cũ từ khi mới chỉ số rất ít người trong thôn, trong xã, biết có con đường qua đây và cây cầu sẽ bắc. Chủ tịch cũ bán đất công! Nơi ấy lúc bấy giờ là thùng vũng hoang vắng chẳng mấy ai để ý. Rồi cùng nhiều việc khác nữa ông bị dân kêu ghê quá liền được cấp trên điều phắt lên huyện để Hội đồng nhân dân xã bầu ra chủ tịch mới hôm nay.
Ông Kỳ chất vấn:

-  Thưa ông chủ tịch và đại diện ban quản lý dự án. Người ta bảo tôi bướng bỉnh. Người ta bảo tôi hẹp hòi, ích kỷ. Người ta la lên rằng tôi ngoan cố. Ngay bà Nha đây bữa trước cũng đã te tát và ngọt nhạt vào mặt tôi. Nhưng xin thề có bà con và bóng đèn đây là tôi không giận. Chỉ mong chòm xóm hiểu cho. Tôi yêu cầu ai vì tư lợi làm sai, làm liều, người đó phải chịu trách nhiệm. Ông chủ tịch cũ bán hai lô đất cho hai gia đình cán bộ trên huyện, bán chui, giá bao nhiêu giờ phải công khai với dân và trả lại cho dân. Lúc này mà bắt hai gia đình kia phải dỡ bỏ nhà thì tội cho họ quá nhưng tôi có quyền đòi hỏi phải trả giá đất qua khóm tre ngà nhà tôi bằng giá thị trường hiện tại, chí ít cũng phải bằng giá ông chủ tịch cũ đã bán chui cho hai gia đình trên huyện kia.

Cuộc họp xôn xao. Vấn đề đã đi vào chiều sâu của đời sống xóm làng. Đúng là thiết kế đường lượn lên đầu cầu lần thứ nhất qua nơi hai gia đình cán bộ trên huyện xây nhà ba tầng thật. Khi ấy nó là thùng vũng và bãi tha ma nên chủ tịch cũ lợi dụng cho bạn bè cánh hẩu của mình mà dân thì không quan tâm đến nơi đến chốn. Vả lại họ cũng đã biết gì tới con đường và đầu cầu qua đây đâu mà nghĩ tới. Họ làm ngơ tuy có chút ấm ức. Khi chủ tịch cũ bị xem xét tư cách thì họ tặc lưỡi bảo nhau: Đáng đời! Đánh đùng một cái ông ta được đá hất lên và an toạ. Dân chỉ còn biết nhìn nhau mà tắc lẻm. Bản thiết kế đường đi qua làng cũng là đường lượn lên cầu được chỉnh sửa qua khóm tre nhà ông Kỳ. Người ta chỉ biết ông Kỳ ngang bửa và bảo ông ích kỷ không vì quyền lợi chung như mọi nhà. Giờ thì đâu ra đấy. Ngay ông giáo ít khi họp làng lúc này cũng gật gù đồng tình. Đại diện ban dự án nói muốn gặp riêng nhưng ông Kỳ dứt khoát không nghe. Ông nói mọi việc phải công khai vì đây là việc chung của mọi gia đình.
Một người chất vấn:
- Ông biết chủ tịch cũ bán bao nhiêu tiền một mét đất để mà đòi hỏi?
Ông khẳng định:
-  Sao tôi lại không biết. Tôi chẳng đặt máy nghe trộm. Tôi chẳng sớm sớm chiều chiều áp tai vào bức vách nhà chủ tịch cũ để mà theo dõi. Nhưng tôi biết. Vị này ăn vụng lại không biết chùi mép. Chính thằng con ông cùng học lớp với thằng cháu tôi đã khoe. Sợ con trẻ hóng hớt nói năng không chuẩn xác, tôi đã bằng nhiều cách thẩm tra lại.

Bà Nha lúc này mới đứng dậy:
-  Nhưng ông đồng ý cho con đường xuân đi qua với điều kiện như ông vừa nói chứ ? Nghĩa là đền bù…
Ông Kỳ cắt ngang lời bà:
-  Tôi không muốn nhấn mạnh việc đền bù mặc dầu phải như thế. Tôi chỉ muốn ai lợi dụng chức quyền làm bừa phải chịu trách nhiệm cho dù người đó đã chuyển đi nơi khác. Nếu cán bộ tham nhưng lại chỉ bị xử lý bằng cách đá ngược lên cho giữ chức cao hơn hay ngồi chơi để mà hưởng thụ thì còn gì là sự phát triển nữa. Thứ hai là tôi cần có tiền để chuyển khóm tre ngà ông cha để lại sang vị trí khác và nhân lên thành hai hoặc ba khóm. Cha tôi trước khi mất đã nói: Ông nội con để lại cho con đó, phải giữ lấy con ạ, khối kẻ bán đất để rượu chè, cờ bạc và tan cửa nát nhà. Tôi nhất trí trao đất cho dự án để con đường xuân qua làng đúng với tên gọi của nó. Về phần mình tôi chuyển khóm tre và nhân giống chứ không thể phá đi.

Rồi chẳng hiểu trên gọi ông chủ tịch cũ ra kiểm điểm trách nhiệm đến đâu nhưng mọi người đều biết ông đã thông qua chủ tịch mới xin lỗi dân làng và bù số tiền lạm dụng trước cho ban dự án để ban dự án đền bù cho ông Kỳ. Nhưng ông Kỳ dứt khoát từ chối. Ông chỉ nhận tiền đúng như mức quy định của trên và kinh phí di chuyển khóm tre thành ba khóm sang vị trí mới. Ông chăm lắm. Sáng nào cũng ra ngắm nhìn xem tre mọc nhánh chưa và chiều cũng vậy. Người già nhất trong làng bảo cụ thân sinh ra ông ngày xưa cũng hay ra đứng ngắm tre giống hệt như ông bây giờ. Cũng cái dáng cao cao và cái lưng vẫn còn thẳng thớm. Cũng đôi mắt chớp chớp và đôi môi mấp máy như là đang nói chuyện với tre. Nhưng tre nào có biết nói. Nó chỉ kẽo kẹt, kẽo kẹt, khi gió xuân ào qua và ông Kỳ thích thú cứ ho hó cái miệng mặc xác cho mấy làn xe ô-tô xuôi ngược vượt dốc cây cầu đang vù vù góp vui với gió và thỉnh thoảng bóp còi như điểm nhạc reo mừng.

Truyện ngắn của TÔ ĐỨC CHIÊU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khóm tre ngà