Sau gần 5 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo ra một cuộc "cách mạng" trên các làng quê trong tỉnh...
Cú híchNăm 2010, xã Văn Giang (Ninh Giang) mới đạt 3 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Đây là xã có điểm xuất phát thấp nhất của tỉnh trong xây dựng NTM. Gắn bó gần trọn đời với làng quê, ông Nguyễn Tất Nhuận năm nay 80 tuổi ở thôn 1 cảm nhận rất rõ những đổi thay ở vùng quê này, nhất là từ khi triển khai xây dựng NTM. Ông Nhuận nói chưa bao giờ thấy làng quê đổi mới như mấy năm gần đây. Cảnh đường đất, nhà trường, trạm y tế tồi tàn không còn mà thay vào đó là những con đường bê tông dài rộng, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa. Trường học, trạm y tế đều được xây cao tầng. "Sau dồn điền, đổi thửa, đồng ruộng thẳng cánh cò bay, tha hồ đưa máy móc vào sản xuất, giảm hẳn sức lao động cho nông dân... Những điều trước đây chúng tôi không dám mơ nhưng bây giờ đều là sự thật", ông Nhuận vui vẻ cho biết.
Tự hào, vui sướng cũng là cảm nhận chung của nhiều người dân ở Văn Giang khi chương trình xây dựng NTM đã gần về đích. Đồng chí Vũ Xuân Quyền, Chủ tịch UBND xã Văn Giang cho biết: "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã rất vui bởi nơi đây là xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện không bằng nhiều xã khác nhưng lại sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. Để được như hôm nay, địa phương xác định tiêu chí nào cần và dễ thì làm trước, nhưng cũng phải nghiên cứu, tìm tòi cách thức để làm các tiêu chí khó". Sau 4 năm tập trung huy động các nguồn lực, với sự chung sức đồng lòng của nhân dân, sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, đến nay Văn Giang đã đạt được 17 trong tổng số 19 tiêu chí. 2 tiêu chí còn lại là tỷ lệ hộ nghèo và cơ sở vật chất văn hóa cũng cơ bản hoàn thành.
Không chỉ ở Văn Giang mà đi đến bất kỳ làng quê nào trong tỉnh, chúng tôi cũng thấy đường giao thông đã và đang được làm to, rộng hơn. Các công trình hạ tầng khác phục vụ đời sống dân sinh như trường học, trạm y tế, kênh mương, chợ... ở nhiều nơi đã và đang được làm mới hoặc tu sửa hoàn thiện hơn. Cùng chúng tôi đi thăm những con đường thôn xóm, đồng chí Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã An Lâm (Nam Sách) khẳng định: "Phong trào xây dựng NTM đã thực sự tạo ra một cú hích ở địa phương. Mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến đời sống văn hóa của người dân đều được nâng lên đáng kể. Qua xây dựng NTM, chúng tôi thấy người dân rất nhiệt tình, đoàn kết, sẵn sàng hy sinh lợi ích của cá nhân để công việc của tập thể được trôi chảy".
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Tuyên đưa chúng tôi đến thôn Cẩm Lý. Ở đây nhà cửa khang trang, đường sá không khác gì phố thị. Nhà văn hóa thôn mới được xây lại rộng rãi, to đẹp. Ngôi đình làng, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân cũng mới được tu sửa lại khang trang. Nghĩa trang nhân dân của thôn đã được quy hoạch gọn gàng. Tổng kinh phí địa phương huy động để xây dựng cơ sở hạ tầng lên tới hàng tỷ đồng, chủ yếu do nhân dân đóng góp và nguồn xã hội hóa.
Nhiều cơ chế hỗ trợSau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh đã đạt 3.019 tiêu chí, bình quân 13,4 tiêu chí/xã, tăng 6,7 tiêu chí so với trước khi thực hiện. 18 xã hoàn thành 19 tiêu chí, 52 xã đạt từ 15-18 tiêu chí/xã. Đến hết năm nay, toàn tỉnh sẽ có 64 xã hoàn thành 19 tiêu chí, chiếm 28,3% số xã trong tỉnh, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Toàn tỉnh đã cải tạo, nâng cấp và làm mới 2.350 km đường giao thông nông thôn. Tất cả các xã đều có mạng lưới cung cấp nước sạch, 85% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Toàn tỉnh đã xây dựng được 7 khu chăn nuôi và 7 khu nuôi thủy sản tập trung, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, 130 xã đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, mỗi hộ bình quân còn từ 1-2 thửa, mỗi thửa rộng 1.000 m2. 100% số xã trong tỉnh đã hoàn thành 2 tiêu chí là quy hoạch và bưu điện. Một số tiêu chí khác đạt cao như 225 trong tổng số 226 xã đã đạt tiêu chí điện nông thôn, 217 xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, 216 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư, 212 xã đạt tiêu chí lao động có tỷ lệ việc làm thường xuyên... Toàn tỉnh đã đầu tư 23.340 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 321,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh, huyện và xã trên 3.007 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 3.511 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư của doanh nghiệp, nguồn tài trợ...
Đạt được kết quả trên là do những năm qua, Hải Dương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực cho xây dựng NTM. Ngày 4-5-2014, UBND tỉnh đã ban hành quy định tạm thời về 19 tiêu chí trong xây dựng NTM. Trong đó, tỉnh quyết định sửa đổi các tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi và chợ nông thôn cho phù hợp với thực tế và các xã cũng dễ dàng hơn khi thực hiện. Tỉnh cũng đã ban hành cơ chế đặc thù, nâng mức hỗ trợ đối với những xã đăng ký hoàn thành NTM sớm. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ xi măng cho tất cả các địa phương làm đường giao thông nông thôn và làm đường ra đồng. Một số huyện như Nam Sách, Cẩm Giàng... cũng có cơ chế khen thưởng bằng tiền mặt đối với những xã hoàn thành NTM.
Nói về các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, bà Phạm Thị Đông ở thôn Cẩm Lý, xã An Lâm (Nam Sách) cho rằng đây là nguồn động viên rất quan trọng đối với các địa phương, góp phần giảm bớt khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng. "Để làm đường trục chính của thôn, mỗi khẩu đóng góp 1,5 triệu đồng, có gia đình đóng đến 6-7 triệu đồng. Nếu không được tỉnh hỗ trợ xi măng thì chúng tôi còn phải đóng góp nhiều hơn nữa. Trong khi đó, đa phần người dân trong thôn làm nông nghiệp, thu nhập còn thấp", bà Đông nói.
Trong thời gian tới, Hải Dương tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương để hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng trong xây dựng NTM, thúc đẩy các địa phương dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, quy vùng sản xuất tập trung, quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, tạo thêm nhiều việc làm mới, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
HÀ NGÂN