Khôi phục đàn lợn sau dịch tai xanh

23/06/2010 06:00

Sau "bão" tai xanh, cơ quan chức năng của tỉnh có kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích khôi phục nuôi lợn. Dự kiến, cứ khôi phục quy mô nuôi 5 con nái trở lên, được hỗ trợ 1 triệu đồng/nái ngoại; 500 nghìn đồng/nái lai, nái thuần.


Nông dân xã Nam Hưng (Nam Sách) chăm sóc lợn nái lai F1


Dịch lợn tai xanh diễn ra trong gần 3 tháng đã đẩy rất nhiều hộ chăn nuôi lợn lâm vào cảnh điêu đứng, làm ảnh hưởng lớn tới nông nghiệp ở tỉnh ta. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm gì để khắc phục hậu quả, khôi phục nhanh đàn lợn?

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đợt dịch vừa qua đã làm 9.890 con lợn bị nhiễm bệnh tai xanh, trong đó 7.391 con với tổng trọng lượng hơi 236,908 kg phải tiêu hủy. Nhưng nhiều hộ dân không chấp hành tiêm phòng cho lợn (chiếm 50% tổng số hộ nuôi lợn) biết không được nhận hỗ trợ của tỉnh, khi có lợn ốm, lợn chết đã không trình báo chính quyền sở tại nên số lợn bị nhiễm bệnh và bị chết ít nhất cũng cao gấp đôi số liệu cập nhật. Dịch tai xanh vừa qua ước gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.

Anh Bùi Văn Nhiên, chủ trang trại có 50 con lợn nái ngoại và hơn 450 con lợn thịt siêu nạc ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) bị tiêu hủy gần hết do dịch tai xanh, cho biết: "Trận dịch vừa qua, gia đình tôi mất trắng gần 2 tỷ đồng nên lâm vào tình trạng kiệt quệ kinh tế. Muốn khôi phục nuôi lợn, thiếu vốn đã đành, nhưng lo mầm bệnh chưa hết, lợn đưa về lại chết tiếp thì còn sợ hơn. Bỏ ra gần 7 tỷ đồng xây dựng trang trại, không chăn nuôi thì rất khó hoàn được vốn. Nhưng tôi không dám mạo hiểm nuôi nhiều như trước và cũng phải chờ thêm thời gian nữa mới dám nuôi lợn trở lại".

 Anh Nguyễn Văn Thuấn, chủ gia trại ở xã Lạc Long (Kinh Môn) thường xuyên nuôi gần 100 con lợn thịt/lứa, vừa xuất bán xong lợn thì "bão" tai xanh ập đến. Thế là anh bỏ trống chuồng, không dám mua lợn giống về nuôi tiếp. Anh giải thích: "Giá thức ăn quá cao, lợn xuất chuồng chỉ bán được 22 nghìn đồng/kg, nên lỗ nặng. Phải chờ thêm vài tháng nữa, mới dám tính khôi phục nuôi lợn".   

Hiện nay, toàn tỉnh ước tính có hơn 600 nghìn con lợn (số liệu thống kê của Sở NN-PTNT). Vì có 620 con lợn nái bị chết phải tiêu hủy, nên tổng đàn nái của tỉnh hiện còn khoảng 108 nghìn con. Trong số 500 nghìn con lợn thịt còn lại, thì có tới 40% đã được xuất chuồng buộc phải "găm" lại vì khó tiêu thụ do có dịch. Người chăn nuôi đã quá mệt mỏi vì bị lỗ nặng, bởi phải đầu tư lớn vào thức ăn. Sau dịch, số lợn này được bán ồ ạt dẫn đến chuồng trại bỏ trống rất nhiều. Lợn hơi xuất chuồng đang bán được giá 25 nghìn đồng/kg, cao hơn từ  4.000 đến 6.000 đồng/kg so với khi có dịch. Nhưng nếu tính phải cần 3 kg thức ăn mới cho tăng trọng 1 kg lợn hơi, với chi phí bình quân hơn 8,5 nghìn đồng/kg thức ăn hiện tại, người chăn nuôi vẫn tiếp tục bị thua lỗ. Mặt khác, trong giai đoạn có dịch vừa qua, có khoảng 30% số hộ nuôi lợn nái đã không cho lợn phối giống, vì lo không bán được lợn sữa, nên nguồn cung ứng giống tại chỗ đã khan hiếm càng khan hiếm hơn. Đặc biệt, theo các chuyên gia thú y, vi-rút gây bệnh tai xanh tồn tại trên lợn đực giống tại những nơi có dịch, kéo dài tới 92 ngày. Nếu người nuôi lợn nái vẫn cho lợn phối giống trực tiếp trở lại, thì nguy cơ tái phát dịch tai xanh không thể lường hết được.

Để khắc phục hậu quả "bão" tai xanh, trước hết phải lấy mẫu huyết thanh của lợn đực giống gửi đi xét nghiệm ngay. Kiên quyết loại thải lợn đực giống không bảo đảm an toàn dịch bệnh. Khuyến cáo người chăn nuôi hạn chế cho lợn nái phối giống trực tiếp với lợn đực tại những vùng có nguy cơ cao, để hạn chế bệnh lây lan. Được biết Sở NN-PTNT đang trình UBND tỉnh cơ chế hỗ trợ, khuyến khích khôi phục nuôi lợn sau dịch. Dự kiến, với những hộ đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin, ngoài việc được nhận mức hỗ trợ dập dịch 25 nghìn đồng/kg lợn nái bị tiêu hủy, thì cứ khôi phục quy mô nuôi 5 con nái trở lên, được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/nái ngoại; 500 nghìn đồng/nái lai, nái thuần. Nếu khôi phục nuôi quy mô đàn 30 con lợn thịt trở lên/lứa sẽ được hỗ trợ thêm 300 nghìn đồng/con, ngoài việc được nhận hỗ trợ dập dịch 18 nghìn đồng/kg lợn đã bị tiêu hủy.  Với những hộ không tiêm phòng vắc-xin cho lợn, nếu khôi phục nuôi quy mô đàn 5 lợn nái trở lên, được hỗ trợ lãi suất tiền mua giống lợn trong vòng một năm; khôi phục nuôi quy mô đàn 30 lợn thịt trở lên, được hỗ trợ lãi suất tiền mua giống lợn trong vòng 6 tháng. Bên cạnh đó, tỉnh cần chỉ đạo các địa phương chuyển ngay tiền hỗ trợ liều tinh lợn cho Trung tâm Giống gia súc tỉnh để đơn vị này có vốn đầu tư tái sản xuất liều tinh đáp ứng nhu cầu truyền tinh nhân tạo cho lợn nái. Bởi chỉ tính từ tháng 4 đến nay, hầu hết các địa phương chậm thanh toán 150 triệu đồng/tháng tiền hỗ trợ, gây khó khăn rất lớn cho trung tâm.   

Về lâu dài, Sở NN-PTNT cần chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn, thải loại đàn lợn đực giống đang được nuôi tự do ở các địa phương. Quản lý được chất lượng liều tinh lợn do các cơ sở tư nhân sản xuất; nếu chưa được cấp phép kinh doanh, chưa đăng ký chất lượng với cơ quan thẩm quyền thì kiên quyết dẹp bỏ. Vi-rút tai xanh gây dịch hiện chưa có cơ quan trong nước nào phân lập được thuộc tuýp gì. Nhưng các nhà khoa học thú y đã chỉ rõ vi-rút tai xanh chỉ có 2 tuýp Bắc Mỹ và châu Âu. Chi phí một mũi vắc-xin tai xanh hết khoảng 30 nghìn đến 35 nghìn đồng. Do vắc-xin tai xanh không miễn dịch chéo, nên Sở NN-PTNT cần nghiên cứu trình tỉnh cơ chế hỗ trợ tiền mua vắc-xin, tiêm bắt buộc cả 2 loại vắc-xin cho tất cả đàn lợn nái và lợn đực giống; đồng thời kiểm dịch tốt nguồn giống nhập từ tỉnh ngoài về thì việc thanh toán bệnh tai xanh ở lợn mới thực hiện được.

CÔNG ĐẠO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khôi phục đàn lợn sau dịch tai xanh