<b>Tâm huyết, đam mê với nông nghiệp nhưng nhiều nông dân vẫn "đơn thương độc mã" trên hành trình tìm kiếm thành công trong nông nghiệp - lĩnh vực vốn chứa đựng nhiều rủi ro.</b><br>
Hầu hết người dân vẫn phải tự xoay xở khi khởi nghiệp từ nông nghiệp
Thiếu nhiều thứ
Nửa đời người chỉ quanh quẩn với vài sào lúa, thu nhập bấp bênh nên từ đầu năm 2016, ông Nguyễn Văn Đàm ở thôn Đỗ Xá, xã Cao An (Cẩm Giàng) đã quyết định đầu tư 200 triệu đồng xây 1.000 m2 nhà màng, nhà lưới trồng hoa và rau màu để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông Đàm cho biết: “Sau khi nghiên cứu từ sách báo và thực tế, tôi rất tâm đắc với mô hình sản xuất này nhưng mọi thứ lại không hề đơn giản. Thời gian đầu, tôi bỡ ngỡ, lúng túng bởi kinh nghiệm cấy lúa không thể áp dụng cho cây trồng mới. Mặc dù cũng chịu khó học hỏi song những kiến thức chắp vá, góp nhặt từ nhiều nơi không giúp tôi cải thiện được tình hình nên kết quả thu được không như mong đợi”.
Xác định khó khăn gặp phải là thiếu khoa học kỹ thuật, ông Đàm đã chủ động liên hệ với các chuyên gia của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ nhờ tư vấn kỹ thuật sản xuất. Do được hướng dẫn bài bản quy trình sản xuất nên việc canh tác trong nhà màng, nhà lưới của ông thuận lợi, suôn sẻ hơn. Năng suất cây trồng tăng rõ rệt, giá trị kinh tế cũng được nâng lên. Theo ông Nguyễn Văn Vóc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, khoa học, kỹ thuật đóng vai trò quyết định trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, chỉ khi làm chủ được khoa học, kỹ thuật thì mới có thể thành công. Đáng tiếc đây lại là yếu tố mà người dân vừa thiếu, vừa yếu. Bởi vậy, để có thể nuôi khát vọng làm giàu từ đồng ruộng, ngoài việc tự trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết, người dân cần được tiếp sức từ nhiều phía.
Dù đã lường trước được những trở ngại, vất vả khi quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp nhưng đối mặt với những thất bại liên tiếp, chị Đỗ Thị Nhung ở thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) đôi lúc thấy nản lòng. Bỏ ngoài tai lời khuyên của gia đình, họ hàng, đầu năm 2017, vợ chồng chị Nhung dốc hết vốn liếng tích cóp bao năm vào 5.000 m2 nhà màng. Thế nhưng thực tế lại không như suy tính ban đầu của vợ chồng chị. Vụ đầu mua phải giống kém chất lượng, hệ thống tiêu thoát nước trong nhà màng gặp sự cố, gia đình chị thua lỗ gần 100 triệu đồng. Vụ sau, chị lại gặp khó khăn khi thực hiện quy trình VietGAP.
Rút ra bài học từ những lần thất bại, chị Nhung cho rằng làm nông nghiệp không thể viển vông mà phải cân nhắc tỉ mỉ với những bước đi chậm nhưng chắc. Những hạn chế trong sản xuất của vụ trước sẽ là kinh nghiệm cho vụ sau. Điều khiến chị Nhung lo lắng nhất hiện nay là nguồn vốn phục vụ sản xuất. Do đầu tư ban đầu quá lớn nên gia đình chị không còn vốn duy trì sản xuất trong khi lại chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. "Hiện tại, tôi vẫn xoay xở bằng cách lấy chỗ nọ bù chỗ kia. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì e rằng phải thu hẹp sản xuất", chị Nhung nói.
Thiếu vốn, thiếu khoa học, kỹ thuật là nguyên nhân khiến nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp "chết yểu".
Gỡ khó
Hải Dương đang xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Đây là tín hiệu khả quan, nhưng bước phát triển này vẫn chưa thật sự ổn định. Những hạn chế mà mô hình khởi nghiệp nông nghiệp gặp phải xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Người dân vẫn tự tìm đường hướng phát triển nên nhiều mô hình khởi nghiệp ban đầu được xây dựng rất bài bản, đầu tư lớn nhưng lại nhanh chóng lụi tàn.
Được trải nghiệm thực tế nhiều mô hình sản xuất tại các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, bà Lương Thị Kiểm, Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Nông nghiệp là lĩnh vực tiềm năng nhưng cũng đầy mạo hiểm để khởi nghiệp. Cái đích cuối cùng khi đầu tư vào ngành nông nghiệp là hiệu quả kinh tế nên người dân cần có tính toán hợp lý. Nông dân Nhật Bản chỉ sử dụng nhà màng, nhà lưới để ươm cây giống và gieo trồng các loại cây mẫn cảm với thời tiết. Vì vậy, nếu không thật sự cần thiết thì không nên lãng phí đầu tư quá nhiều vào cơ sở phục vụ sản xuất. Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng rất lớn, nếu các mô hình nông nghiệp quá chú trọng vấn đề này, coi đây là điểm tựa vững chắc để khởi nghiệp thành công thì mức độ rủi ro, tổn thất sẽ rất lớn.
Cũng theo bà Kiểm thì những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp không cần hạ tầng quá lớn, phải cân đối nguồn vốn phù hợp với điều kiện sản xuất. Điều quan trọng, mấu chốt cần quan tâm là kỹ thuật sản xuất. Chỉ khi áp dụng phương thức canh tác tiên tiến, hiện đại, khai thác các điều kiện sản xuất bền vững thì mới thu được hiệu quả lâu dài từ nông nghiệp.
Kiểm soát được chất lượng nông sản là đã có được thành công bước đầu. Do vậy, để có những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công thì cơ quan chuyên môn không thể đứng ngoài cuộc, phải có những tư vấn, định hướng, giúp người dân lựa chọn hướng đi phù hợp.
Để nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, cùng người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tỉnh tập trung hỗ trợ các mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung; sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản tập trung và xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến nông sản. Mức hỗ trợ cao nhất lên tới 11,5 triệu đồng/ha trồng trọt và không quá 3 tỷ đồng/dự án chăn nuôi, không quá 5 tỷ đồng/dự án bảo quản, chế biến nông sản. Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân áp dụng những phương pháp sản xuất mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Dòng vốn vay ưu đãi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được khơi thông. Đây chính là động lực để nâng đỡ những ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp.
NGUYỄN MƠ