Khởi kiện Ford Việt Nam: Thay đổi tư duy người tiêu dùng Việt Nam

12/03/2018 09:41

Việc người tiêu dùng có xu hướng khởi kiện doanh nghiệp cung cấp sản phẩm không bảo đảm chất lượng cho thấy sự thay đổi trong cách thức đấu tranh đòi quyền lợi của người tiêu dùng.


Vụ việc khách hàng khởi kiện Ford Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh Nhà máy lắp ráp xe ô tô của Ford Việt Nam ở Hải Dương

Những ngày vừa qua dư luận cũng như doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước hướng sự quan tâm đặc biệt đến vụ việc một khách hàng tại TP Hồ Chí Minh quyết định gửi đơn khởi kiện Ford Việt Nam ra Tòa án nhân dân TP Hải Dương và Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Người khởi kiện Ford Việt Nam là anh Võ Quốc Bình (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) giám đốc một doanh nghiệp chuyên mua bán các loại ô tô cũ.

Lý do anh Bình khởi kiện Ford Việt Nam và đại lý Citi Ford vì cho rằng Ford Việt Nam thiếu trách nhiệm với sản phẩm bán ra, coi thường người tiêu dùng. Đặc biệt theo anh Bình khi chiếc xe Ford Focus anh gặp sự cố Ford Việt Nam đã hành động đẩy trách nhiệm về phía khách hàng…

Trước thái độ quyết liệt của khách hàng, sáng ngày 8.3, trong buổi làm việc với anh Võ Quốc Bình, đại diện Ford Việt Nam mong muốn anh Bình đưa chiếc xe Ford Focus của anh vào hãng kiểm tra đồng thời muốn làm việc một buổi riêng để thương lượng.


Lý do anh Bình khởi kiện Ford Việt Nam và đại lý Citi Ford vì cho rằng Ford Việt Nam thiếu trách nhiệm với sản phẩm bán ra

Tuy nhiên, anh Bình từ chối đồng thời yêu cầu Ford Việt Nam phải triệu hồi kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế, mua hoặc thu hồi tất cả các dòng xe Ford Focus, Ford Fiesta và Ford Ecosport sản xuất từ năm 2011 đến 2016 sử dụng hộp số Powershift có sự cố trượt ly hợp trong hộp số cho tất cả khách hàng Việt Nam.

Việc người tiêu dùng có xu hướng khởi kiện doanh nghiệp cung cấp sản phẩm không bảo đảm chất lượng cho thấy sự thay đổi trong cách thức đấu tranh đòi quyền lợi của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc khởi kiện một doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn liên doanh với hãng xe hàng đầu thế giới như Ford Việt Nam sẽ rất khó khăn, đôi khi người tiêu dùng phải đối diện thử thách, phải “sống trong sợ hãi”.

Trái với lo lắng trên, trao đổi với phóng viên, Kỹ sư Lê Văn Tạch, Cán bộ kỹ thuật của Công ty Toyota Việt Nam (TMV), người từng dám đứng ra đầu tranh “tố” chất lượng và ỉm lỗi xe Toyota khiến dư luận “dậy sóng” năm 2011 cho rằng: “Khi Ford Việt Nam và người tiêu dùng không tìm được tiếng nói chung, khi doanh nghiệp từ chối khắc phục sản phẩm lỗi, không triệu hồi sản phẩm có sự cố, khách hàng khởi kiện là việc cần thiết”.

Kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng, khách hàng khởi kiện doanh nghiệp hay việc khởi kiện nói chung là câu chuyện hết sức bình thường. Khởi kiện để tòa phán xử ai đúng, ai sai, trách nhiệm thuộc về ai.

“Khách hàng mua sản phẩm không bảo đảm chất lượng, hư hỏng đều có quyền khởi kiện. Khởi kiện 1 vụ án dân sự cái khách hàng mất là thời gian, là áp lực khác nhau nhưng cái được rất nhiều bởi việc khách hàng khởi kiện Ford Việt Nam sẽ thay đổi tư duy người tiêu dùng trong việc mua và sử dụng ô tô, thay đổi thái độ của doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam. Không chỉ Ford Việt Nam mà các hãng xe khác sau khi đối diện khách hàng tại phiên tòa sẽ có thay đổi từ việc khắc phục sửa chữa lỗi trên xe đến thái độ phục vụ khách hàng”, Kỹ sư Tạch cho biết.


Kỹ sư Lê Văn Tạch chỉ phần lỗi kỹ thuật của xe Innova. Ảnh: N.Phùng

Theo Kỹ sư Lê Văn Tạch, trong vụ việc khách hàng Võ Quốc Bình khởi kiện Ford Việt Nam điều đáng trân trọng chính là việc khách hàng không đồng ý thương lượng riêng với hãng xe. Thay vào đó, đưa ra yêu cầu Ford Việt Nam phải triệu hồi kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế, mua thu hồi tất cả các sản phẩm lỗi của mình.

Như vậy “cuộc chiến” giữa khách hàng Võ Quốc Bình với Ford Việt Nam không phải vì quyền lợi cá nhân mà vì mục đích chung làm rõ chất lượng sản phẩm xe ô tô thương hiệu Ford do Công ty Ford Việt Nam sản xuất, kinh doanh.

Về lo lắng khách hàng một mình chống lại doanh nghiệp lớn liên doanh khách hàng, cơ hội thắng kiện rất khó, Kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết: “Khi khởi kiện vấn đề không chỉ nằm ở việc có thắng kiện hay không mà là việc có dám lên tiếng, dám đấu tranh trước cho việc người tiêu dùng đang phải mất tiền mua, sử dụng sản phẩm hàng hóa kém chất lượng”.

Kỹ sư Lê Văn Tạch phân tích, nếu khách hàng nào cũng ngại ngần không lên tiếng, doanh nghiệp càng dễ dàng ỉm thông tin, che dấu lỗi sản phẩm cuối cùng cả cộng đồng xã hội chịu thiệt. Việc khởi kiện dù đòi quyền lợi cho cá nhân hay cho cộng đồng đều là việc rất nên làm.

Kỹ sư Lê Văn Tạch được ví như “người hùng” của khách hàng sử dụng dòng xe Toyota Việt Nam khi tháng 3.2011, từ một nhân viên bình thường của TMV, kỹ sư Tạch bất ngờ liên hệ với nhiều cơ quan báo chí và Cục Đăng kiểm Việt Nam, phản ánh ba lỗi kỹ thuật trong quá trình lắp ráp hai dòng xe Innova và Fortuner lắp ráp trên dây chuyền sản xuất của TMV, sau nhiều lần báo cáo lên lãnh đạo nhà máy nhưng không có động thái khắc phục.

Những lỗi kỹ thuật trên hai dòng xe bán chạy nhất của TMV được kỹ sư Tạch phát hiện dựa trên kinh nghiệm 9 năm nghiên cứu và làm việc trực tiếp trên dây chuyền sản xuất, thuộc phòng kỹ thuật số chuyên lắp hai dòng xe nói trên.

Sự việc được các cơ quan quản lý, giới chuyên môn và người tiêu dùng trong nước đặc biệt quan tâm bởi không chỉ Toyota đang là thương hiệu ô tô mạnh nhất Việt Nam, mà đây còn là vụ việc chưa từng có tiền lệ trong ngành công nghiệp ô tô nước nhà.

Trước áp lực của dư luận và yêu cầu của các cơ quan chức năng, cùng nhiều cuộc họp kín và công khai liên tiếp, TMV đã chính thức phát đi thông báo triệu hồi 66.000 chiếc Fortuner và Innova với những lỗi mà kỹ sư Tạch đã liệt kê trong các đơn thư phản ánh.

Hai tháng sau, ngày 11.6.2011, TMV bất ngờ ra quyết định tạm đình chỉ công tác ba tháng đối với kỹ sư Lê Văn Tạch vì một loạt các vi phạm kỷ luật nội bộ. Tại thời điểm đó, công chúng tỏ ra nghi ngờ về mục đích của quyết định mà TMV đưa ra để xử lý kỹ sư Tạch.

Quyết định tạm đình chỉ công tác trên sau đó được thu hồi và kỹ sư Lê Văn Tạch trở lại làm việc nhưng ở vị trí không liên quan nhiều đến kỹ thuật sản xuất ô tô. Sau hai lần đệ đơn kiện TMV về các vấn đề khác nhau trong năm 2012 nhưng đều bị xử thua. Mặc dù bị xử thua trong hai lần kiện TMV và trải qua thời gian vô cùng căng thẳng trong cuộc chiến “một mình chống lại Toyota Việt Nam”, nhưng kỹ sư Tạch vẫn được công chúng và một số tổ chức uy tín tôn vinh.

Theo Sở hữu trí tuệ và sáng tạo

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khởi kiện Ford Việt Nam: Thay đổi tư duy người tiêu dùng Việt Nam