Không riêng ở Đà Lạt và TP.HCM, tại Hà Nội, ở các chợ đầu mối, vẫn tràn ngập số lượng lớn khoai tây có nguồn gốc Trung Quốc tuồn về tiêu thụ mỗi ngày.
Từ 5 giờ sáng, tại khu vực cổng chợ đầu mối Long Biên, ngày nào cũng có 2-3 xe tải chất đầy khoai tây chờ tiêu thụ. Các tiểu thương trong chợ nhộn nhịp đẩy xe chở khoai về các gian hàng. Hàng chục bao tải đựng khoai chật ních, xếp đầy trong các sạp hàng, để tràn cả ra ngoài. Các lái buôn ở các chợ lẻ trên địa bàn Hà Nội tấp nập đổ về nhập hàng chở đi.
Theo nhiều tiểu thương, từ khi có thông tin khoai tây hồng nhập khẩu Trung Quốc, lượng hàng về chợ mỗi đêm không hề giảm đi mà vẫn nhộn nhịp như thường. Từ nhiều năm nay, các thương lái vẫn ùn ùn đổ khoai Trung Quốc về các chợ đầu mối ở Hà Nội để tiêu thụ, đã thành mối hàng quen với nhiều tiểu thương. Khi được hỏi thông tin về khoai tây Đà Lạt, một chủ sạp trong chợ còn ngỡ ngàng và nói chưa nhập khoai Đà Lạt về bán bao giờ.
Theo bà Đặng Thúy Ngọc Anh, cán bộ phụ trách ngành hàng rau, củ, quả ở chợ đầu mối Long Biên, hiện cả chợ có gần 20 sạp hàng bán khoai tây. Bà Anh khẳng định phần lớn là khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng con số cụ thể là bao nhiêu thì không nắm chắc được, vì các thương lái chủ yếu đỗ xe và đổ buôn ở ngoài, chủ sạp đẩy xe hàng chở vào chợ bán.
|
Từ các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, khoai tây có mặt ở hầu khắp các sạp hàng tại các chợ lẻ, quầy buôn… Chị Tâm, chủ hàng tại chợ Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy) cho biết, từ mấy năm nay vẫn bán khoai tây nhập từ Trung Quốc. Khoai Trung Quốc nhìn bề mặt rất bắt mắt, giá lại rẻ hơn khoai tây Đà Lạt.
Hiện mặt hàng khoai tây Đà Lạt bán trên thị trường có giá 35.000 đồng/kg, tại một số siêu thị lớn như BigC, Metro… giá khoai tây hồng Đà Lạt dao động trong mức 40.000-50.000 đồng/kg. Còn mặt hàng khoai tây Trung Quốc được bán với giá rẻ hơn nhiều lần, khoảng từ 10.000- 14.000 đồng/kg.
|
Theo dữ liệu của cơ quan hải quan, mức giá nhập khẩu khoai tây Trung Quốc về Việt Nam trong một vài năm trở lại đây cũng khá rẻ với giá 152 USD/tấn. Mức giá này đã bao gồm phí bảo hiểm, cước vận chuyển về đến cảng, cửa khẩu ở Việt Nam, tính ra giá cụ thể là 3.170 đồng/kg (xấp xỉ 3.200 đồng/kg). Hơn nữa, do cam kết thương mại giữa các nước ASEAN - Trung Quốc, nếu doanh nghiệp nhập khẩu có C/O form E (tức giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá nguồn gốc Trung Quốc) khi làm thủ tục hải quan thì họ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu và đây là mặt hàng thuộc nhóm không phải chịu thuế VAT.
Vì giá rẻ lại có mẫu mã đẹp nên mặt hàng khoai tây Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay. Chưa kể, với công nghệ trộn đất tinh vi thì hoàn toàn có thể đội lốt khoai tây Đà Lạt cho khoai tây Trung Quốc, khiến người dân rất khó phân biệt.
Theo nhiều thương lái, việc nhập khẩu khoai tây Trung Quốc về Việt Nam được thực hiện chủ yếu qua cửa khẩu Lào Cai, Tân Thanh (Lạng Sơn) và cảng biển Sài Gòn.
Theo đó, những sản phẩm được chuyển vào nội địa tiêu thụ phải có giấy tờ nhập khẩu hợp lệ, có giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm. Nhưng vì nhu cầu thị trường rất lớn, nhiều thương lái tìm mọi cách để tuồn các mặt hàng về thị trường trong nước tiêu thụ, khiến người dân không khỏi lo ngại.
Tại cuộc họp giao ban quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ NN-PTNT sáng 8.7, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, Cục đã lấy 20 mẫu khoai tây Trung Quốc trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM để kiểm nghiệm phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó phát hiện một mẫu khoai tây có chất độc hại Chlorpyrifos vượt ngưỡng cho phép. |
NGUYỄN TUẤN (thanh niên)