Tận dụng "thời gian vàng" dạy học trực tiếp

29/09/2021 06:00

Nhiều trường học ở Hải Dương đang tận dụng tối đa "thời gian vàng" dạy học trực tiếp để tập trung truyền tải các nội dung cốt lõi mà dạy trực tuyến không hiệu quả.


Các trường đều tận dụng tối đa thời gian an toàn dịch bệnh để dạy các nội dung cốt lõi cho học sinh nhưng vẫn bảo đảm chương trình của năm học

Ưu tiên học sinh lớp 1

Như nhiều trường khác trong tỉnh, các tổ, khối chuyên môn của Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Đức Sáu, xã Minh Tân (Nam Sách) đã xây dựng các nội dung giảng dạy, trong đó tập trung vào những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho học sinh. Mục đích chính là dạy những bài cốt lõi khi học trực tuyến không thể dạy được hoặc dạy không hiệu quả. 

Ưu tiên học sinh lớp 1, thầy và trò nhà trường bắt tay ngay vào rèn kỹ năng nền nếp và luyện viết chữ cái theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thầy Nguyễn Bá Mạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường đang tập trung rèn học sinh lớp 1 ôn lại chữ cái đã được học ở mầm non, hướng dẫn cách cầm bút, làm quen với bảng và tập viết các nét cơ bản".

Ở các khối lớp khác, trong tiết học các môn như giáo dục công dân, đạo đức... giáo viên sẽ linh hoạt dạy những nội dung trọng tâm của môn học, sau đó dành thời gian nhất định để ôn tập lại kiến thức các môn khác vừa qua phải học trực tuyến như toán, vật lý, hóa học...; đồng thời tập trung củng cố kiến thức cho những học sinh yếu. 

Thầy Bùi Quang Huyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Hải Dương) cho biết trường đã chỉ đạo giáo viên tập trung vào các môn học chính như toán, tiếng Việt, giảm tải những bài không cần thiết, có độ khó, chồng chéo. Các môn như mỹ thuật, âm nhạc... có thể giảm số tiết hoặc dồn nhiều tiết thành một chủ đề mà vẫn bảo đảm nội dung, chương trình kế hoạch năm học. Các giáo viên tập trung rèn luyện nền nếp, kỹ năng viết và tính nhẩm cho học sinh lớp1, lớp 2. Những khối lớp còn lại, nhất là học sinh lớp 5, giáo viên cũng chú trọng bồi dưỡng kiến thức hổng. 

Tăng cường học thực hành

Trường THCS Quang Minh (Gia Lộc) có trên 400 học sinh. Nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn tập trung nghiên cứu giảng dạy, ưu tiên các bộ môn có nhiều tiết thực hành, thí nghiệm, bài học trực quan như vật lý, hóa học, sinh học. Với môn toán, các giáo viên đang tập trung dạy các phần về dạng hình học nhiều hơn dạng đại số, bởi dạng toán hình dạy trực tuyến sẽ kém hiệu quả. Giáo viên cũng có nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá đối với học sinh như làm bài kiểm tra, vấn đáp...

Các giáo viên Trường THPT Nam Sách (Nam Sách) cũng đang tận dụng thời gian dạy học trực tiếp để đẩy các chủ đề gắn với thực hành của các môn hóa học, vật lý, sinh học lên dạy trước. Nếu phải dạy trực tuyến thì các chủ đề này chỉ cần mô tả lại. 

Tại Trường THPT Nam Sách II (Nam Sách), gần 60 cán bộ, giáo viên và trên 1.000 học sinh các khối lớp cũng đang tận dụng tối đa thời gian dạy và học trực tiếp. Từ ngày 27.9, trường thực hiện dạy 5 tiết buổi sáng, buổi chiều tập trung ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi của trường. Trước đó, buổi sáng giáo viên dạy 4 tiết các môn thi tốt nghiệp và 2 buổi chiều dạy 3 tiết/tuần các môn không thi tốt nghiệp. Thầy giáo Trần Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết nếu được phép và tình hình dịch ổn định, nhà trường sẽ tận dụng "thời gian vàng" thực hiện sáng dạy 4 tiết, chiều 4 tiết, bảo đảm mỗi ngày 8 tiết. Nội dung dạy tập trung vào các môn thi tốt nghiệp. Các môn không thi tốt nghiệp có thể dạy vào ngày nghỉ cuối tuần.

Đa số các trường đều linh hoạt tận dụng tối đa thời gian an toàn dịch bệnh để dạy các nội dung cốt lõi cho học sinh nhưng vẫn bảo đảm nội dung, chương trình của năm học. Bên cạnh đó, các trường cũng đã xây dựng kịch bản sẵn sàng dạy học trực tuyến bất cứ lúc nào. 

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn nhiệm vụ năm học cụ thể cho từng bậc học, cấp học. Theo ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phải chủ động đi trước dịch bệnh một bước. Lãnh đạo các trường tận dụng tối đa "thời gian vàng" kiểm soát tốt dịch bệnh để chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên dạy học sinh các kiến thức trọng tâm, cốt lõi của từng môn học. Các cơ sở giáo dục linh hoạt triển khai, áp dụng các hình thức dạy và học. Mỗi cán bộ, giáo viên phải chủ động thay đổi để thích ứng. 

Các trường đang gặp không ít khó khăn do dạy 1 buổi/ngày trong khi vẫn phải bảo đảm nội dung, chương trình năm học. Nếu học 2 buổi/ngày thì sẽ có nhiều thời gian hơn để bồi dưỡng các kiến thức nâng cao, năng khiếu, bù đắp kiến thức hổng... 

Hầu hết giáo viên và phụ huynh đều mong dịch được kiểm soát tốt để học sinh được học 2 buổi/ngày nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học. Phụ huynh cũng đỡ vất vả đưa đón con, sinh hoạt bị xáo trộn.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tận dụng "thời gian vàng" dạy học trực tiếp