Mở ra cơ hội cho ngành sản xuất chip tại Việt Nam

29/09/2022 12:45

Một số tập đoàn công nghệ tại Việt Nam đang triển khai nghiên cứu, sản xuất chip và mở ra cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip.

Chú thích ảnh

Mẫu tấm wafer chip vi mạch đầu tiên của FPT Semiconductor.

Việt Nam đang trở thành nơi đặt nhà máy, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của hàng loạt tập đoàn điện tử tên tuổi như Samsung, LG, Intel, Apple, Compal, Xiaomi…

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ và Vi mạch TP Hồ Chí Minh, Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để thiết kế chip, điều còn thiếu hiện nay là xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường chip rất khốc liệt. Vì vậy, Việt Nam cần tính toán cẩn trọng trong việc lựa chọn sản xuất loại chip nào để thành công về mặt đầu tư cũng như thương mại hóa.

Mới đây, FPT tuyên bố sản xuất chip make in Vietnam. Dòng chip bán dẫn tích hợp được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp. Đây là dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.

Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC - Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.

Khách hàng đầu tiên và hiện là đối tác chiến lược của doanh nghiệp cùng phối hợp để phân phối các sản phẩm chip của FPT Semiconductor ở các thị trường Úc, Đài Loan, Trung Quốc. Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, FPT Semiconductor định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip “Make in Vietnam” đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 - 2025.

Trong hai năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Đồng thời, doanh nghiệp đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.

Đại diện FPT cho biết, trong bối cảnh đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được dự báo sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD (theo báo cáo từ Technavio), FPT Semiconductor đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp chip thương hiệu Việt cho chính các công ty, tập đoàn ở trong nước.

Với năng lực sản xuất chip bán dẫn, FPT Software tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ và sản phẩm, giải pháp công nghệ chuyển đổi số toàn diện.

Chú thích ảnh

Tấm wafer chip vi mạch đặt trong hộp đóng gói.

Trước đó, một tập đoàn viễn thông của Việt Nam cũng đang hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài về chipset và phần cứng, phần mềm cho 5G.

Theo Gartner, năm 2021, ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu mang về doanh thu gần 600 tỷ USD. Tại Việt Nam, số lượng tổ chức và doanh nghiệp trong ngành chip vi mạch bán dẫn, phần lớn tập trung vào các trường đại học kỹ thuật hoặc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất.

Dù vậy, theo các chuyên gia, nghiên cứu, sản xuất chip và thương mại hóa sản phẩm này còn nhiều thách thức với vô cùng khó khăn, đòi hỏi chi phí lớn. Theo ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ngay cả khi có nhà máy sản xuất chip, thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu toàn bộ vật liệu điện tử. Thực tế ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp sản xuất chip cũng là một thách thức rất lớn. Theo tôi, nếu Việt Nam phát triển ngành công nghiệp vi mạch, thì việc đầu tiên phải làm chính là xây dựng một số cơ sở sản xuất các vật liệu điện tử chủ yếu.

Một thực tế khác cũng được nhiều chuyên gia đề cập, là tất cả cơ sở, trung tâm sản xuất chip lớn trên thế giới đều có “bóng dáng” cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, cả về tài lực và chính sách. Chính vì vậy, muốn đặt chân vào ngành công nghiệp sản xuất chip, Việt Nam phải có chiến lược và những chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn. Đó có thể là các chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi cho các tập đoàn bán dẫn lớn thành lập, mở rộng các trung tâm nghiên cứu và thiết kế tại Việt Nam; chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút và đào tạo nhân tài chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở ra cơ hội cho ngành sản xuất chip tại Việt Nam