"Cha đẻ" của những thiết bị phòng chống dịch

19/01/2022 15:00

Đó chính là thầy giáo Nguyễn Trọng Quỳnh (sinh năm 1981, giảng viên Đại học Sao Đỏ, Chí Linh).

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Quỳnh (người đứng) say mê giảng dạy cho sinh viên (ảnh tư liệu)

Nhiều địa phương trong tỉnh đang sử dụng "buồng khử khuẩn toàn thân", "robot vận chuyển nhu yếu phẩm" để phòng chống dịch Covid-19 nhưng ít ai biết "cha đẻ" của những thiết bị trên là thầy giáo Nguyễn Trọng Quỳnh.

Với các sản phẩm sáng tạo trên, thầy Quỳnh vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tuyên dương, khen thưởng tại Chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển".

TP Chí Linh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 diễn ra hồi đầu năm 2021. Trước "cơn bão" Covid-19, thầy Quỳnh luôn trăn trở, mong muốn được góp sức mình sớm đẩy lùi dịch bệnh. Tháng 2.2021, thầy cùng nhiều giảng viên Khoa Điện, Khoa Cơ khí của trường chế tạo thành công "buồng khử khuẩn toàn thân" và "robot vận chuyển nhu yếu phẩm". Khi được áp dụng vào thực tế, các sản phẩm này ngay lập tức phát huy hiệu quả.

Những chú “robot vận chuyển nhu yếu phẩm” này cao 1,5 m, chia làm 3 ngăn để có thể chứa cơm, quần áo, nước sát khuẩn và các vật dụng khác phục vụ trong các bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế tập trung. Robot sử dụng nguồn điện 1 chiều, linh hoạt trong nạp điện và có thể chạy 4 ngày liên tục mới phải nạp thêm. Bộ điều khiển bằng tay giúp người sử dụng có thể điều khiển robot di chuyển tiến, lùi, rẽ phải, rẽ trái, leo dốc với độ nghiêng tối đa 45 độ tùy ý trong bán kính 200 m. Robot có thể mang tối đa khoảng 250kg hàng hóa và tự động sát khuẩn sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Tháng 4.2021, trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trên diện rộng, thầy Quỳnh cùng những cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm của trường đã chế tạo thành công "Trạm khử khuẩn tự động xe cơ giới đường bộ". Ngay sau đó, nhà trường đã phối hợp Sở Y tế triển khai lắp đặt trạm khử khuẩn tại 3 chốt kiểm soát dịch liên ngành cấp tỉnh ở TP Chí Linh. Trạm khử khuẩn tự động được gắn các cảm biến, dụng cụ phun phù hợp với chiều cao của các loại xe ô tô. Khi xe cơ giới đi qua, các cảm biến sẽ nhận dạng chiều cao xe để điều khiển bơm, van áp lực. Thiết bị phun ra dung dịch dạng sương mù, khử khuẩn trên các loại xe cơ giới.

Các thiết bị trên mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch, hạn chế về số lượng người vận chuyển nhu yếu phẩm, người đứng trực phun khử khuẩn tại các chốt kiểm soát dịch, ngăn chặn tối đa lây nhiễm dịch.

16 năm công tác và giảng dạy tại Trường Đại học Sao Đỏ, phương châm làm việc của thầy Quỳnh là “Cuộc sống đặt mục tiêu cho khoa học, khoa học soi đường cho cuộc sống”. Những bài giảng của thầy đã khơi dậy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo trong sinh viên và truyền ngọn lửa đam mê, yêu thích khoa học đến bạn trẻ. Thầy đã tham gia nghiên cứu 15 công trình, đề tài khoa học cấp cơ sở. Ngoài ra, thầy chủ trì và tham gia 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp tỉnh, giành nhiều giải cao trong các hội thi sáng tạo khoa học.  

Với những cống hiến không mệt mỏi trong lĩnh vực sáng tạo khoa học, kỹ thuật, nhiều năm gần đây thầy Quỳnh đã được Bộ trưởng Công thương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công đoàn ngành công thương, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Cha đẻ" của những thiết bị phòng chống dịch