Rào cản khiến phụ nữ ít tham gia nghiên cứu khoa học

20/09/2020 15:16

Những nguyên nhân về bình đẳng giới, trách nhiệm và nhận thức chính là rào cản khiến nhiều phụ nữ ngại tham gia nghiên cứu khoa học.


Để có thể tham gia nghiên cứu khoa học, phụ nữ cần có đam mê, tìm tòi và được gia đình ủng hộ

Mặc dù chiếm khoảng 50% lực lượng lao động, nhưng số nữ giới tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) còn ít. Hiện không có thống kê cụ thể bao nhiêu phụ nữ trong tỉnh tham gia NCKH nhưng thực tế cho thấy, có rất ít người tham gia vào lĩnh vực này. 

Phải đủ đam mê

Giới NCKH trong lĩnh vực nông nghiệp đã khá quen với chị Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH cấp tỉnh. Không chỉ làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo sở trong quản lý nhà nước, chị Hà là một trong số ít nữ cán bộ có nhiều đề tài NCKH trong lĩnh vực nông nghiệp đã được áp dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả cao. Điển hình như Dự án khoa học cấp tỉnh "Sản xuất cam, ổi theo quy trình VietGAP tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương".

Chị Hà cho biết thực hiện một đề tài NCKH nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, ngoài vốn kiến thức sẵn có, chị phải thuyết phục người dân cùng tham gia, làm việc với chính quyền địa phương, các ngành để phối hợp thực hiện. Ví dụ như Đề tài “Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa tại Hải Dương”... Ngoài ra, phải tìm tòi thêm nhiều cách làm mới, trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật, kết nối với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm… Để hoàn thành một đề tài NCKH, chị Hà phải dành rất nhiều thời gian và tâm huyết trong khi vẫn phải bảo đảm công việc chuyên môn. “Nếu không có niềm đam mê thì tôi khó có thể cùng lúc thực hiện nhiều công việc, nhất là tham gia NCKH”, chị Hà nói.

Chị Nguyễn Vũ Xuân Thi, Chánh Văn phòng, Trưởng Ban Tuyên giáo (Hội Phụ nữ tỉnh) cho rằng, NCKH thực chất là một hoạt động tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm. Dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức có được từ các thí nghiệm, người NCKH sáng tạo phương pháp, phương tiện kỹ thuật mới hiện đại hơn, giống mới cho năng suất, chất lượng cao hơn... Thực hiện một đề tài, dự án NCKH không chỉ đơn giản trong vài ngày hay vài tuần mà có thể trong cả năm, thậm chí nhiều năm mới cho kết quả. Chưa kể tới việc người nghiên cứu phải thường xuyên đi cơ sở thu thập dữ liệu thực tế, phân tích, đánh giá. Bước cuối cùng là nghiệm thu đề tài, dự án, người làm chủ cũng phải bảo vệ được quan điểm của mình trước hội đồng khoa học có chuyên môn sâu. Vì thế, nữ giới tham gia NCKH không phải điều dễ dàng. Làm một đề tài, dự án rất khó, đối với phụ nữ lại càng khó khăn hơn. Nếu không có niềm đam mê nghiên cứu, tìm tòi, phụ nữ khó có thể thực hiện được.

Chưa tương xứng với lực lượng

Kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2020 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt gồm 20 đề tài, 4 dự án. Nhưng trong đó chỉ có 4 đề tài và 3 dự án do phụ nữ làm chủ nhiệm. Các đề tài, dự án này đều thuộc  lĩnh vực nông nghiệp, còn y tế, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội không có đề tài, dự án do phụ nữ làm chủ.

Theo chia sẻ của nhiều cán bộ nữ, để làm được một đề tài NCKH hoặc chỉ một giải pháp cải tiến kỹ thuật cũng phải mất nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm trong thực tế. Trong khi đó, phụ nữ ngoài đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn còn trách nhiệm nặng nề với gia đình, chăm sóc con cái, phải cân bằng giữa gia đình và công việc. Phụ nữ phải mang thai, sinh nở, chăm sóc gia đình nên không có nhiều thời gian dành cho NCKH. Họ bị quá tải về sức lực, không có thời gian nghỉ ngơi, cũng như thời gian trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến ít phụ nữ tham gia NCKH đó là tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại. Phụ nữ thường bị đánh giá thấp, thiếu khách quan khi xem xét các ý tưởng, đề tài khoa học. Nhiều chị em có tâm lý an phận, ít nỗ lực phấn đấu, thiếu tự tin về khả năng của bản thân nên e ngại không tham gia NCKH. Theo quy định, độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới thấp hơn nam, vì thế ảnh hưởng nhiều đến thời gian được đào tạo, nghiên cứu và cơ hội được thể hiện tài năng của họ.

Theo kinh nghiệm của chị Hà, sự ủng hộ của gia đình là yếu tố quan trọng giúp phụ nữ có điều kiện tham gia NCKH. “Nếu không cân đối thời gian một cách hợp lý sẽ rất dễ mải mê công việc mà bỏ quên những điều khác. Dù bận rộn tôi vẫn luôn cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình ở gia đình. Khi việc nhà chu toàn thì phụ nữ sẽ nhận được sự ủng hộ, hậu thuẫn của người thân”, chị Hà chia sẻ.  

Có thể thấy, phụ nữ đã và đang làm được nhiều điều mà nam giới đã làm. Và để làm được những điều đó, phụ nữ phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao kiến thức, trí tuệ, giúp bản thân mình tự tin hơn. Gia đình, cơ quan, đơn vị và xã hội cần tạo cơ hội hơn nữa cho phụ nữ tham gia NCKH. "Phụ nữ cần được san sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình, tạo cơ hội học tập, làm việc và nghiên cứu. Bản thân mỗi chị em cũng cần bố trí thời gian hợp lý dành cho công việc và gia đình, tận dụng cơ hội để học tập, phát triển bản thân", chị Nguyễn Vũ Xuân Thi nói thêm.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rào cản khiến phụ nữ ít tham gia nghiên cứu khoa học