Giải pháp nào để xây dựng đô thị thông minh?

14/01/2021 07:03

Khát vọng xây dựng đô thị thông minh đã thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và chương trình hành động của Tỉnh ủy.


Hệ thống camera giám sát giúp TP Hải Dương quản lý tốt an ninh trật tự, an toàn giao thông. Trong ảnh: Hệ thống camera giám sát lắp đặt trên đường Nguyễn Lương Bằng

Xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) là nhiệm vụ, yêu cầu tất yếu phù hợp với xu thế thời đại, thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược nhằm đưa cuộc sống của con người ngày càng tiện lợi, văn minh

Hải Dương chưa có đô thị thông minh

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, trên thế giới, số đô thị được công nhận là thành phố thông minh không nhiều. Mỗi quốc gia lại có một khái niệm dựa trên quan điểm về ĐTTM riêng. Mặc dù chưa thống nhất về mặt lý luận nhưng các khái niệm này đều thống nhất về cách nhận thức định nghĩa cơ bản: ĐTTM là mô hình đô thị hay một khu đô thị ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý vận hành nâng cao chất lượng đô thị nhằm phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và chất lượng sống của cộng đồng. Tại Việt Nam, các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số đô thị khác cũng đang hoạch định chiến lược và đi đầu thực hiện đề án ĐTTM.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hóa, Chủ tịch Hội Xây dựng Hải Dương cho rằng thế giới cũng chưa có định nghĩa bao hàm nhất về ĐTTM. Mọi người vẫn hiểu ĐTTM theo hướng môi trường trong lành, giao thông, điều kiện sống hiện đại, thông tin liên lạc tiện ích, nền hành chính cũng như mối quan hệ giữa con người với con người tiên tiến. ĐTTM phải là sự tổng hòa, là mối quan hệ chặt chẽ, bền vững giữa các yếu tố như cơ sở vật chất, phương pháp quản trị xã hội, trình độ nguồn nhân lực và văn hóa ứng xử giữa người với người, giữa người với tự nhiên. Tất cả đều nhằm tới mục đích cao nhất là nâng cao chất lượng sống cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần, hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp của con người vào môi trường sinh thái.

Tại Hải Dương, khái niệm ĐTTM mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển tới năm 2030, Tỉnh ủy nêu rõ một trong 4 trụ cột phát triển là: đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Tỉnh ta hiện có 2 thành phố là Hải Dương, Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Nhiều đô thị loại V đang xây dựng chương trình, kế hoạch nâng cấp lên đô thị loại IV như Kẻ Sặt, Thanh Miện, Gia Lộc, Phú Thái... Thực tế, Hải Dương chưa có ĐTTM mà chỉ có các ĐTTM từng phần bởi hệ thống hạ tầng viễn thông, giao thông, giáo dục... dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng chưa kết nối thành một hệ thống hoàn chỉnh, thống nhất để phục vụ tốt nhất cuộc sống của cư dân đô thị. Nhìn rộng ra ở Việt Nam chưa có đô thị nào được coi là ĐTTM.


Tỉnh sẽ sớm ban hành nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung về xây dựng đô thị thông minh. Trong ảnh: Các đại biểu Nam Sách dự hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về “Chuyển đổi số - cơ hội và thách thức” ngày 6.1

Khát vọng xây dựng đô thị thông minh

Xây dựng ĐTTM là một nhiệm vụ khó vì số lượng ĐTTM trên thế giới cũng rất ít. Tại Hải Dương, mặc dù khái niệm ĐTTM mới manh nha nhưng nền tảng để xây dựng ĐTTM đã có khi lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhận thức, sự thống nhất cao về quan điểm xây dựng ĐTTM. Khát vọng xây dựng ĐTTM đã thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng như trong chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội. Từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương cũng đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất như xây dựng hạ tầng giao thông, viễn thông đồng bộ, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, hiệu quả, nâng cao năng lực phục vụ của chính quyền địa phương góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hóa, trong phát triển ĐTTM, nếu chỉ coi trọng phát triển công nghệ thông minh, chính phủ điện tử và chuyển đổi số là chưa đủ. Để phát triển ĐTTM cần chú trọng phát triển đồng bộ 4 nền tảng hạ tầng đô thị gồm nền tảng tự nhiên, cảnh quan sinh thái đô thị theo xu hướng phát triển xanh; hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thân thiện môi trường; hạ tầng số, chuyển đổi số, chính phủ điện tử và hạ tầng dịch vụ thông minh. "Các ĐTTM đều hướng tới phát triển bền vững và con người vẫn là trung tâm của sự phát triển. Trong ĐTTM cần có môi trường sống thông minh và cộng đồng dân cư thông minh. Suy cho cùng, con người mới là hạt nhân quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu đề ra", Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hóa chia sẻ.

Theo các chuyên gia xây dựng, trước hết phải tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng ĐTTM. Sớm xây dựng một cơ chế chính sách minh bạch, rõ ràng về xây dựng ĐTTM nhằm thu hút nguồn lực, tạo sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Xây dựng ĐTTM phải xuất phát từ sự phát triển bền vững, đồng bộ từ hạ tầng giao thông, viễn thông, môi trường sống và làm việc, học tập, phát triển kinh tế đến sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như cách quản trị xã hội thông minh. Xây dựng ĐTTM đòi hỏi sự nỗ lực của Nhà nước và nhân dân. Đây là nhiệm vụ lâu dài, phải làm dần từng bước, từng giai đoạn và động viên được các nguồn lực xã hội tham gia trên cơ sở nguồn vốn mồi của ngân sách nhà nước.

VỊ THỦY

Lấy người dân làm trung tâm

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) trở thành một xu thế tất yếu, chủ đạo để phù hợp với tiến trình chuyển đổi số, xã hội số. Hải Dương cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Lãnh đạo tỉnh xác định việc xây dựng chính quyền điện tử và ĐTTM tỉnh Hải Dương là nhiệm vụ trọng tâm, chủ đạo trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Với mục tiêu hướng đến mọi tiện ích đáp ứng nhu cầu xây dựng cuộc sống của người dân an toàn, thuận lợi, tăng sức sáng tạo và khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử và ĐTTM tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó ưu tiên, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cho phát triển ĐTTM và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, sở sẽ tập trung triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng “Smart Hải Dương” để cung cấp các thông tin, tiện ích cho người dân và doanh nghiệp trong tỉnh.

Với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, quá trình xây dựng chính quyền điện tử và ĐTTM vừa tăng hiệu quả trong điều hành của chính quyền vừa giúp người dân, doanh nghiệp tích cực, chủ động tương tác, tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành ĐTTM.

NGUYỄN CAO THẮNG

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Chú ý cả mặt trái của đô thị thông minh

Trong xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), bên cạnh những mặt tích cực như đưa ra các quyết định dựa trên phân tích dữ liệu hiệu quả hơn, dịch vụ giao thông vận tải phục vụ đi lại của người dân được thực hiện tốt hơn, xây dựng được một cộng đồng an toàn hơn, cung cấp các dịch vụ công hiệu quả hơn, giảm tác động tiêu cực đến môi trường... ĐTTM cũng có những hạn chế nhất định. Mối quan hệ xã hội và tính gắn kết của cộng đồng suy giảm. Do chuyển đổi từ giao tiếp trực tiếp sang giao tiếp gián tiếp và các phương tiện thông tin khác, một bộ phận dân cư nghèo bị cô lập do không có đủ điều kiện tiếp cận các tiện ích. Việc sử dụng giao tiếp gián tiếp thông qua các phương tiện liên lạc cũng khiến cho số lượng các giao tiếp trực tiếp giảm xuống.

Sự phụ thuộc vào công nghệ dẫn đến nguy cơ các đô thị thiếu bản sắc, không còn duy trì các giá trị văn hóa riêng có. Xây dựng ĐTTM cũng dẫn đến nguy cơ hạn chế quyền riêng tư và nguy cơ lạm dụng kiểm soát xã hội cũng trở nên rõ nét khi khả năng theo dõi và tập trung dữ liệu mang lại quyền lực lớn cho người xử lý thông tin. Bất kỳ ai có quyền truy cập vào dữ liệu của công dân đều có thể kiểm soát, có khả năng thao túng dư luận và tác động tiêu cực tới xã hội. Ngoài ra, con người trong ĐTTM cũng dễ phụ thuộc thái quá vào internet…

Những bất cập này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần tính đến để ĐTTM thực sự là đô thị đáng sống, đô thị phục vụ con người.

NGUYỄN VĂN HÙNG
Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Kinh Môn


Đô thị thông minh phải có bản sắc riêng

Phát triển ĐTTM cần tuân thủ chặt chẽ các trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng, quản lý ĐTTM và thực hiện các dịch vụ, các tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin - cơ sở dữ liệu lớn và xây dựng một xã hội đô thị phát triển hài hòa, phát huy, bảo tồn và giữ gìn được truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Phát triển ĐTTM là một hướng đi tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, tận dụng được cơ hội, thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như phù hợp với thực tế phát triển của đất nước và của tỉnh.

Hiện vẫn còn những cách hiểu chưa thực sự toàn diện, thống nhất trong xây dựng ĐTTM như chỉ nặng về công nghệ thông tin, số hóa trong phát triển ĐTTM mà chưa nhận thức được đầy đủ, toàn diện những hợp phần cần có để phát triển đồng bộ, nhất là yếu tố con người cũng như bản sắc văn hóa từng địa phương. Trong mọi công việc, nhất là trong xây dựng ĐTTM, vai trò của con người có tính quyết định. Hải Dương cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như những đô thị của Việt Nam đang xây dựng ĐTTM để chọn lọc, tiếp thu những kinh nghiệm phù hợp với thực tế phát triển của đất nước và của tỉnh để tạo nên những ĐTTM mang bản sắc riêng của Hải Dương. Chỉ những đô thị có bản sắc riêng mới đem đến cho người dân một cuộc sống thực sự chất lượng, ý nghĩa.

Kỹ sưVŨ SƠN THƯỢNG

Công ty CP Vinaconex 11.1 (TP Hải Dương)

Lợi cho cả chính quyền và người dân

Theo dõi qua các phương tiện truyền thông, tôi nhận thấy thời gian qua Hải Dương đã có những bước đi rõ rệt trong việc xây dựng chính quyền điện tử và ĐTTM. Theo tôi, hướng tới ĐTTM, việc quản lý, giải quyết công việc hành chính của chính quyền sẽ thuận tiện, nhanh chóng. Người dân, doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng rất nhiều tiện ích.

Với lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, ĐTTM sẽ giúp người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ, thanh toán chi phí thủ tục cũng như nhận kết quả thông qua môi trường mạng. Từng sở, ngành khi đó sẽ chủ động liên thông để giải quyết công việc, giám sát lẫn nhau và chịu sự giám sát của nhân dân. Qua đó chấm dứt tình trạng người dân, doanh nghiệp vác hồ sơ chạy lòng vòng xin kết quả. Những công cụ kiểm soát hiện đại cũng sẽ giúp quy trình giải quyết hồ sơ được minh bạch, ngăn chặn tình trạng ngâm hồ sơ, sách nhiễu, gây phiền hà. Thông tin quy hoạch đô thị, thị trường, các ngành nghề... được tích hợp vào trung tâm dữ liệu dùng chung, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường, thủ tục. Từ đó tăng tính khả thi trong các kế hoạch, chiến lược kinh doanh.

Khi hoàn chỉnh ĐTTM, có thể nói chỉ cần với thiết bị di động thông minh, người dân có thể dễ dàng lựa chọn dịch vụ, tiện ích phù hợp. Đây là những lợi ích vừa giúp chính quyền quản trị công việc hiệu quả, vừa giúp người dân có cơ hội chung tay cùng xây dựng, phát triển đô thị.

LÊ VĂN TRƯỜNG (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp nào để xây dựng đô thị thông minh?