Lò đốt rác ở xã Cao An (Cẩm Giàng) được xây dựng chỉ để đốt rác thải sinh hoạt nhưng kể từ khi đi vào hoạt động đến nay lại đốt cả rác công nghiệp...
Nhiều hộ nuôi cá gần khu vực đốt rác bị thiệt hại nặng
Đã 3 năm nay, từ khi lò đốt rác (LĐR) thải sinh hoạt đặt tại xã Cao An (Cẩm Giàng) đi vào hoạt động, người dân xã Cao An, 3 thôn Đức Trạch, An Điềm, Tân An của xã Cẩm Định và một phần thị trấn Lai Cách (cùng huyện Cẩm Giàng) phải sống chung với ô nhiễm môi trường.
Đeo khẩu trang cả lúc ngủNgười dân sinh sống gần LĐR bất đắc dĩ phải đeo khẩu trang cả lúc ngủ để đối phó với ô nhiễm không khí. LĐR hoạt động suốt ngày đêm, khói cuộn đen trùm kín cả một vùng kèm theo mùi vừa khẳn vừa khét. Nhiều người có biểu hiện choáng đầu, khó thở khi hít phải khói của LĐR. Cụ Vũ Văn Vũ ở thôn Đức Trạch (Cẩm Định) cho biết: “Vợ chồng tôi năm nay đều ngoài 80 tuổi. Đứa con trai bệnh tật quanh năm. Mỗi khi khói từ LĐR xộc vào nhà gây nhức đầu, buồn nôn". Theo ông Vũ Văn Thoại nhà cách LĐR vài trăm mét, sau mỗi ngày, mái nhà ông lại có một lớp tro bụi lẫn thứ dầu keo bám lại như bồ hóng.
Hơn 10 hộ dân sống gần LĐR lo sợ vì họ chưa được sử dụng nước sạch, chủ yếu phải dùng nước giếng. Trong khi đó, nước rỉ rác từ bãi tập kết vẫn hằng ngày ngấm xuống lòng đất. Chị Lê Thị Xuân ở thôn Phú An (Cao An) còn nhớ vụ chiêm xuân vừa qua, nước từ các loại chai, lọ và nước rỉ rác đen ngòm, hôi thối chảy ra khắp cánh đồng Vừng. “Nước chảy đến đâu, cá chết đến đấy. Lúa bị cháy đen, năng suất giảm 60%”, chị Xuân nói. Gần LĐR còn có gần 10 hộ nuôi cá nhưng do nguồn nước ô nhiễm nên bị thiệt hại nặng. Người dân nhiều lần kiến nghị lên UBND xã Cao An cũng như phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri HĐND các cấp nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Có dấu hiệu vi phạmLĐR ở xã Cao An được đầu tư xây dựng với mục đích đốt toàn bộ số rác thải sinh hoạt của 8.000 khẩu trong 5 thôn trên địa bàn xã. Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch UBND xã Cao An, mỗi ngày toàn xã xả ra hơn 1 tấn rác thải sinh hoạt. Như vậy, với công suất đốt 500 kg rác/giờ, mỗi ngày, LĐR chỉ hoạt động khoảng 2 giờ để đốt toàn bộ số rác trên. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, LĐR này hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. "Hầu như ngày nào họ cũng đốt, không chỉ ban ngày mà còn đốt cả đêm. Chúng tôi cũng không biết số rác thải kia ở đâu mà nhiều đến thế?", một người dân trong xã bức xúc.
Theo người dân, việc thu gom rác thải sinh hoạt trong xã được thực hiện 3 lần/tuần bằng xe kéo tay và xe công nông rồi được đưa tới bãi tập kết gần đó trước khi cho vào lò đốt. Tuy nhiên, ngoài những chiếc xe kéo tay, xe công nông trên, mỗi ngày còn có 2 ô tô tải chuyên dụng chở đầy rác từ nơi khác đến đốt. "Hai chiếc xe trên vận chuyển rác thải từ Công ty TNHH Tadlack Production và Công ty CP Đầu tư và Sản xuất vật liệu xây dựng Hà Hải, cùng đóng trên địa bàn xã Cao An. Số rác thải này chủ yếu là các loại bao tải, nilon, dây điện...", ông Mạnh thừa nhận. Tuy nhiên, ông Mạnh nói mỗi tháng có vài xe rác được đưa về đây đốt chứ không phải mỗi ngày có 2 xe như người dân phản ánh. Mục đích của việc đốt rác thải công nghiệp là để lấy tiền chi trả cho công nhân đang làm việc tại LĐR. Đồng thời, phải có rác công nghiệp, rác sinh hoạt mới cháy được. Việc này đã được sự đồng ý của Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng của huyện Cẩm Giàng. Song, ông Mạnh lại không đưa ra được văn bản của các cơ quan trên.
Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng của huyện Cẩm Giàng vào cuộc, kiểm tra, xử lý, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân nơi đây.
PV